1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lãnh đạo Trung Quốc giằng xé vì chuyện giảm lãi suất

Vậy là sau nhiều lời đồn đoán và sức ép từ nhiều phía, cuối cùng Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch để đối phó với tình trạng nền kinh tế nước này đang suy trầm trên mọi phương diện.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Đó là suy giảm tăng trưởng, các doanh nghiệp trong nước sản xuất cầm chừng trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách thoái vốn, thất nghiệp gia tăng cùng sự bế tắc của phương thức phát triển kinh tế cũ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước một cơn đại bệnh, và đòi hỏi một cuộc phẫu thuật triệt để mới có thể giải quyết tình hình. Và việc ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại còn chưa được xem là một động thái gây mê nữa, khi mà sự bất đồng về việc có tiến hành phẫu thuật kinh tế này hay không vẫn còn đang là một vấn đề giằng xé trong chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ngày 28.2.2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chính thức tuyên bố sẽ hạ lãi suất cho vay, theo đó bắt đầu từ 1.3.2015 lãi suất cho vay ở nước này sẽ chỉ còn 5,35%. Đây là động thái giảm lãi suất thứ hai chỉ trong ít tháng vừa qua của nền kinh tế thứ hai thế giới như một nỗ lực kích thích nền kinh tế nước này vốn đang lâm vào suy trầm ở thời điểm hiện tại.
 
Trước đó, vào cuối tháng 11.2014 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã hạ lãi suất từ 6% xuống còn 5,6% cũng vì những lý do tương tự, nhưng có vẻ như giới phân tích thế giới và ngay cả Bắc Kinh cũng nhận ra rằng liệu pháp đó là chưa đủ mạnh, và cần thiết phải có thêm một cú giảm lãi suất nữa.
 
Giới phân tích quốc tế cho rằng, cú giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 3 tháng này của Trung Quốc là một bước đi cần thiết để đối phó với tình trạng suy trầm của kinh tế nước này. Lạm phát trong tháng 1.2015 vừa qua ở Trung Quốc chỉ đạt mức 0,8%, mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua, khiến cho Bắc Kinh cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết nguy cơ của một cuộc giảm phát đã ở ngay trước mắt. 
 
Việc kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại sau ba thập kỷ phát triển cao độ kể từ năm 2015 lại vô tình trùng khớp với giai đoạn kinh tế thế giới cũng đang suy trầm và nạn giảm phát đang lan tràn khắp thế giới như một dịch bệnh, kết hợp 2 nguyên nhân đó lại khiến cho nguy cơ giảm phát xảy ra ở Trung Quốc còn lớn hơn so với ở EU hay Nhật Bản.
 
Nếu như ở EU hay Nhật Bản, cỗ máy kinh tế hiện đại gần như đã được xây dựng hoàn chỉnh và vấn đề của EU và Nhật giờ đây là xốc dậy cỗ máy ấy bằng cách bơm thêm nhiên liệu cho nó hoạt động ở tần suất cao sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, thì ở Trung Quốc cỗ máy ấy còn đang chưa hoàn thiện. Nền kinh tế Trung Quốc vốn có một tỷ suất lớn dựa trên các tập đoàn quốc doanh vốn vẫn bị đánh giá là một cơ cấu kinh tế đang phát triển, lực lượng doanh nghiệp tư nhân vốn là nền tảng ở các nền kinh tế phát triển lại đang chiếm một tỷ suất nhỏ hơn các doanh nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc khá nhiều. 
 
Vì vậy, nếu như ở EU và Nhật, các nhà lãnh đạo có thể đối phó với giảm phát bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế và hạ tỷ giá đồng nội tệ để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, thì vấn đề của Trung Quốc lại phức tạp hơn rất nhiều. Bắc Kinh sẽ vừa phải chống giảm phát, lại vừa phải chuyển dần cơ cấu nền kinh tế sang giới doanh nghiệp tư nhân.
 
Chính vì thế, việc Bắc Kinh chỉ hạ lãi suất ở thời điểm hiện tại đang khiến các học giả Trung Quốc và các chuyên gia quốc tế thất vọng. Hạ lãi suất ở thời điểm hiện tại gần như không có ý nghĩa gì trong việc đối phó với các thách thức của kinh tế Trung Quốc hiện nay. 
 
Để đối phó với nguy cơ giảm phát và hỗ trợ giới doanh nghiệp tư nhân, Bắc Kinh cần phải đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn và hướng dòng chảy của các gói kích thích này vào giới doanh nghiệp tư nhân thay vì các tập đoàn nhà nước như gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỉ USD mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố cách đây hơn một tháng cho gần 30 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mà phần lớn trong số đó sẽ bị các tập đoàn nhà nước thâu tóm.
 
Thực tế cho thấy ở lần giảm lãi suất trước vào cuối tháng 11.2014, tác động của nó đối với việc kích thích kinh tế ở Trung Quốc là không đáng kể khi các doanh nghiệp hầu như không mặn mà gì với việc vay tiền để mở rộng sản xuất, đơn giản là vì tổng cầu của kinh tế quốc nội Trung Quốc đã gần đạt điểm bão hòa và người dân phải giới hạn mức chi tiêu của họ khi mà thu nhập của họ cũng đang có xu hướng chững lại. Mức giảm lãi suất 0,4% lần trước cũng lớn hơn lần này chỉ có 0,25%, càng khiến các chuyên gia nghi ngờ về mức độ thành công của nó.
 
Việc giảm lãi suất cũng đang cho thấy Bắc Kinh đang buộc phải đặt cược trong việc tăng trưởng kinh tế bằng động lực là các doanh nghiệp trong nước với việc níu kéo các nhà đầu tư quốc tế. Hạ lãi suất sẽ khiến cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm xuống so với đồng USD và sẽ càng thúc đẩy giới đầu tư rút vốn ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn. 
 
Điều này trái ngược với ở Nhật Bản khi đồng Yen giảm giá lại đang kích thích giới đầu tư quốc tế đổ vốn vào Nhật nhiều hơn, lý do đơn giản là vì nền kinh tế Nhật đang có mức năng động cao hơn và đồng Yen giảm giá đang khiến tài sản ở Nhật đang trở nên rẻ hơn và hấp dẫn các nhà đầu tư hơn. 
 
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đóng vai trò lớn trong việc tạo công ăn việc làm và đóng thuế ngân sách ở Trung Quốc, và giờ đây khi dòng thoái vốn đang ngày càng tăng, gánh nặng về giải quyết việc làm và bù đắp khoản ngân sách thiếu hụt sẽ đè cả lên vai chính phủ Trung Quốc.
 
Lối thoát duy nhất cho Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại, là thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đóng thuế cho ngân sách nhà nước so với các tập đoàn quốc doanh vốn có nhược điểm cố hữu là giới hạn số lượng công nhân viên
chức và năng suất thấp hơn. 
 
Đây được xem là một bài toán khó khi mà quyền lực của các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đã trở nên quá lớn và thậm chí đang là hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo cấp cao, sẽ khó có chuyện các tập đoàn này chấp nhận việc để Bắc Kinh bơm tiền thẳng vào giới doanh nghiệp tư nhân như vậy, trong khi chỉ giảm lãi suất không thôi như việc Bắc Kinh đang làm thì chẳng có tác dụng gì hết.
 
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”