1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lần đầu tiên trong 30 năm, Hà Nội tạm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong 30 năm qua, 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5,915 tỷ USD, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: DDDN).
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: DDDN).

Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững

Tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra sáng nay (17/6), báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2018-2020, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô thời gian qua tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh, bền vững. Năm 2016 tăng 7,15%, năm 2017 tăng 7,31%, 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,07%.

Trong 2 năm 2016 - 2017, Hà Nội có 47.826 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 472.760 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt trên 250.000 đơn vị.

Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 tăng 11 bậc so với năm 2015, lên vị trí 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 tăng 7 bậc so với năm 2015, lên vị trí 2/63 tỉnh, thành phố.

Đáng lưu ý, tại hội nghị lần này, Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng, tương đương với hơn 17 tỷ USD, trong đó, có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ 428 triệu USD, 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội, các Tỉnh, Thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ trao 24 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

“Kết quả này đã đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua, 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5,915 tỷ USD, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Ông Chung cũng thông báo, từ ngày 1/8/2018, Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng, toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà.

Hà Nội đứng trước làn sóng đầu tư lớn

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, trước yêu cầu của thời kỳ mới, Hà Nội đang đứng trước áp lực gia tăng dân số, năng suất lao động, dịch vụ thiết yếu, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

“Thành phố xác định, chìa khoá cho sự thành công chính là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân thủ đô. Thành phố tiếp tục cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có điều kiện trở thành một mũi đột phá trong cải cách thể chế và khởi nghiệp sáng tạo của cả nước bởi vì nơi đây tập trung nguồn lao động chất lượng cao nhất của cả nước, các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu.

Ông Lộc đánh giá, việc Samsung đầu tư các cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên, nhưng đặt ở trung tâm nghiên cứu Hà Nội - chính là một trong những gợi ý cho định hướng phát triển của Thành phố. Thủ đô sẽ tạo mạng lưới liên kết với các tỉnh thành phố trên cả nước, các tỉnh thành phố có thể trở thành những công xưởng sản xuất nhưng trung tâm nghiên cứu của các xuyên quốc gia sẽ lựa chọn Hà Nội và TP.HCM.

Đáng lưu ý, Hà Nội hoàn toàn trở thành nơi đặt đại bản doanh cho các tập đoàn xuyên quốc gia và là một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, để có thể đạt được vị thế như vậy Hà Nội cần có những cải cách tích hơn và có những cải thiện về cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lộc cũng cho rằng, Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn cho một làn sóng đầu tư mới, được gọi là làn sóng đầu tư hướng Nam từ các nền kinh tế phương Bắc. Hiện nay các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang đề ra chính sách hướng Nam mới, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và từ một số nền kinh tế khác sang Việt Nam.

"Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ nằm trên hành trình chuyển dịch đó, và là điểm đến đầu tiên của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây chính là cơ hội tốt cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể tận dụng cơ hội này trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Phương Dung

Lần đầu tiên trong 30 năm, Hà Nội tạm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI - 2