1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lạm phát tăng nhưng khó sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa

(Dân trí) - Với những diễn biến chỉ số giá 4 tháng đầu năm, dù không loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát vượt quá 2 con số nhưng các chuyên gia cho rằng, sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa sẽ khó có cơ hội xảy ra.

Lạm phát tăng nhưng khó sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa - 1

Thịt lợn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
 
CPI giảm dần sau tháng 5

Theo thông lệ, hàng năm mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường đạt đỉnh vào những tháng trước hoặc ngay sau Tết Nguyên đán và hạ dần vào cuối quý I cho đến hết quý II, III... Tuy nhiên, CPI trong những tháng đầu năm 2011 lại có biểu hiện tăng dần và tháng 4 này đã đạt mức tăng đột biến, cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 9,64% so với tháng 12/2010 và tăng 13,95% so với bình quân 12 tháng năm 2010.

Tình trạng tăng giá hàng hoá và dịch vụ chung trên cả nước trong những tháng đầu năm có nguyên nhân truyền thống, trực tiếp và dễ nhận thấy chính là sự gia tăng đột ngột vượt trội mọi thời điểm khác trong cả năm về nhu cầu và sức tiêu thụ các hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, sự lợi dụng đẩy giá lên cao do khả năng thanh toán và tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng, mua sắm gắn với dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhất là ở các đô thị tập trung dân cư và có quy mô thị trường tiêu thụ lớn, như Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn các cú sốc tăng tỷ giá (tăng 9,3% từ ngày 11/2) và tăng giá xăng dầu (tăng từ 17-24%) và từ 1/3/2011 là giá điện tăng 15,2% càng làm bùng phát các xung lực tiêu cực làm tăng hệ quả lạm phát của chúng.

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội nhận định: “Xu hướng tăng CPI chắc chắn còn tiếp diễn trong suốt quý II/2011 với sự gia tốc rõ rệt có lẽ được ghi nhận tiếp vào tháng 5 (đúng vào dịp tăng lương tối thiểu) rồi mới chịu tạm lắng dịu xuống để chờ dịp tăng trở lại cuối năm như thông lệ… Với đà tăng đó, việc duy trì được tốc độ tăng CPI năm 2011 dưới mức 1 con số là điều không dễ dàng.

Dù không loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát vượt quá 2 con số; song cần nhấn mạnh rằng, sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa sẽ khó có cơ hội xẩy ra trong giả định không có những đột biến về thiên tai và chính sách quản lý vĩ mô, cũng như những khủng hoảng mạnh trên thị trường tài chính - tiền tệ trong nước và quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, tăng trưởng GDP quý I năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 5,83% của cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng 5,5%. Thị trường vàng và thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại: giá vàng trong nước hiện ở mức 3,75 triệu đồng/chỉ, chênh lệch tỷ giá VND/USD giữa giá chính thức và thị trường tự do đã giảm…”.

Sức ép lạm phát chi phí đẩy sẽ tăng

TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng: Sức ép từ lạm phát tiền tệ giảm dần gắn liền với xu hướng gia tăng chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt (nhất là việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với mức thực tế tăng tới gần 30% của năm 2010), hạn chế cho vay đầu tư phi sản xuất và tiêu dùng (đặc biệt là cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản), hạn chế đầu tư công và thâm hụt ngân sách, cũng như hạn chế mua sắm trang, thiết bị và chi tiêu công khác; đồng thời gia tăng kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng và ngoại tệ không có giấy phép …
 
“Sự hợp lực của những động thái này chắc chắn đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu ảo xã hội, nhất là giảm dần sức ép liên quan đến lạm phát tiền tệ trong thời gian tới như một điểm mới đáng chú ý của tính chất lạm phát ở nước ta trong năm 2011”, ông Phong nói.

Ngược lại, sức ép lạm phát chi phí đẩy tăng nhanh trong những tháng cuối quý I - đầu quý II/2011 do gắn liền trực tiếp với tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ - tiêu dùng từ cú sốc tăng tỷ giá và các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện diễn ra liên tiếp trong tháng 3; từ sự gia tăng chi phí vốn gằn với cuộc đua lãi suất huy động và cho vay và từ tháng 5 là việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách... Ngoài ra, đợt tăng giá dầu mỏ lên tới 50% (từ mức 80 USD/thùng lên mức 120 USD/thùng) trong vòng 5 tháng (11/2010 - 3/2011) cũng là một xung lực mạnh làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy cả ở phạm vi quốc tế, cũng như ở Việt Nam.

An Hạ