1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu:

“Lạm phát cao không chỉ diễn ra ở các nước mới nổi”

(Dân trí)- “Lạm phát cao không chỉ diễn ra tại các nước mới nổi vốn được cho là đang tăng trưởng nóng, mà còn diễn ra ở các nền kinh tế phát triển. Vấn đề này sẽ được bàn bạc nhiều tại các phiên họp của Hội nghị thường niên ADB lần này”.

“Lạm phát cao không chỉ diễn ra ở các nước mới nổi” - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu (ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 2/5.

Trả lời câu hỏi của báo giới: “Việt Nam cũng như nhiều nước ở châu Á đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, Thống đốc cho biết, Chính phủ đã làm gì để kiểm soát lạm phát”? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho hay: “Lạm phát cao không chỉ diễn ra tại các nước mới nổi vốn được cho là đang tăng trưởng nóng, mà còn diễn ra ở các nền kinh tế phát triển. Việt Nam đã thực hiện mọi nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Trong Nghị quyết 11 nêu rất rõ, tập trung ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”.

Cũng theo ông Giàu: Nghị quyết 11 nói lên quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là phải thực hiện kiềm chế lạm phát. Tất nhiên chính sách thường có độ trễ nhất định, chúng ta mới triển khai được vài tháng nên hiệu quả sẽ phải diễn ra trong thời gian tới, chứ không thể có hiệu quả tốt đẹp ngay tức thì. Lạm phát hiện nay không phải là mới, vì đã nằm trong vùng dự báo của nhiều quốc gia. Ngoài chuyện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chưa phục hồi được đà tăng trưởng trước đó.

Trong 3 năm qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,51%; năm 2009, trong khi các nước tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (5,32%). Năm 2010, Việt Nam đã bước vào đà phục hồi tăng trưởng với 6,78%, nhưng diễn biến của thế giới đã tác động rất mạnh vào Việt Nam, như giá xăng dầu tăng, lương thực tăng 36%... Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát đà tăng giá cả và ổn định vĩ mô, đặc biệt là với Nghị quyết 11.

“Nghị quyết 11 đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB, WB. Họ cho rằng Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của lạm phát và đề ra được những chính sách rất kịp thời. Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Giàu nói.

Cũng theo ông Giàu, lạm phát cũng là một trong những nội dung xuyên suốt được các diễn giả đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này. Và cuối hội nghị, Hội đồng Thống đốc ADB có thể đề xuất khuyến nghị hoặc giải pháp với các nước thành viên nhằm kiểm soát lạm phát đang gia tăng hiện nay.

Nói về quan hệ Việt Nam - ADB, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - ADB ngày càng được duy trì, củng cố và phát triển. Hiện nay, Việt Nam là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB, sau Bangladesh và Pakistan. Có thể nói, sự giúp đỡ quý báu của ADB có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nông thôn, năng lượng, y tế, giáo dục…; đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết thêm: Việc ADB đã lựa chọn Việt Nam là nước chủ nhà của Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 do Việt Nam là một trong những đối tác thụ hưởng quan trọng và là một thành viên tích cực của ADB. Bên cạnh đó, ADB đánh giá cao Việt Nam đã đạt được các thành tựu kinh tế quan trọng, từ một nước có mức thu nhập thấp trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

An Hạ