1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Làm giá thị trường, “giật” tiền cổ đông?

Những nhầm lẫn số liệu, những kết quả kiểm toán sai lệch dù vô tình hay cố ý cũng khiến cho thị trường và cổ đông điên đảo. Làm dấy lên mối nghi ngờ lớn trong giới đầu tư khi giá cả biến động thất thường, còn cổ đông thì bức xúc vì như bị mất tiền.

Đi cùng với cú điều chỉnh lợi nhuận mạnh như vậy, doanh nghiệp này bồi thêm một cú thua lỗ gần 1.100 tỷ đồng trong năm 2012. Tin xấu dồn dập đã khiến cổ phiếu PVX không tránh khỏi một đợt lao dốc thê thảm. Cổ phiếu vốn là trụ cột trên sàn HNX trong vòng 2 tuần lao dốc từ mức 8.400 đồng/cp xuống sát 5.000 đồng/cp.
 
Nhầm lẫn hay cố tình
 
Nhầm lẫn hay cố tình

 

Cổ đông của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong những ngày đầu năm mới vui mừng nhưng cũng không khỏi bất an khi doanh nghiệp của đại gia Cường đô-la này vừa thông báo đính chính kết quả kinh doanh quý IV/2012 và cả năm 2012 hợp nhất với lợi nhuận bất ngờ được điều chỉnh tăng mạnh tới 3 lần so với con số công bố trước đó với lý do "kế toán nhầm lẫn".

 

Cụ thể, QCG đính chính số liệu lợi nhuận hợp nhất quý IV/2012 là 13,45 tỷ đồng (so với 5,64 tỷ đồng ở bản công bố trước đó) và lợi nhuận cả năm 2012 mới là 9,81 tỷ đồng (so với con số 3 tỷ đồng gửi lên UBCK và giới đầu tư trước đó).

 

Mức chênh lệnh quá lớn nói trên được QCG giải thích là trong quá trình hợp nhất số liệu, kế toán đã làm nhầm số liệu doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh doanh nghiệp muốn làm gấp để công bố cho nhà đầu tư

 

Một đại gia khác là Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) cũng đã đính chính kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2012 với lãi ròng tăng thêm 14 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số được điều chỉnh giảm từ 39,4 tỷ đồng xuống 24,7 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng từ 176,9 tỷ lên 191,6 tỷ đồng.

 

Gần đây, giới đầu tư thực sự hoang mang khi đại gia PVX của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam bất ngờ lộ một sự thật khó tin: Doanh nghiệp này lỗ trong năm 2011, thay vì lãi gần 200 tỷ đồng - thông tin được công bố và qua kiểm toán vài lần.

 

Trên thực tế, PVX không chính thức đính chính cho cú sốc "từ lãi lớn chuyển thành lỗ" này nhưng số liệu tham chiếu trên báo cáo tài chính hợp nhất 2012 của doanh nghiệp lại nói lên điều này.

 

Tương tự, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam - Constrexim Holdings (CTX) vừa gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư khi công bố lợi nhuận sau thuế cả năm 2012 chỉ vỏn vẹn 5,6 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 68 tỷ đồng năm liền trước. 

 

Tuy nhiên, điều bất ngờ còn nằm ở chỗ số liệu báo cáo kiểm toán cho thấy trên thực tế khoản lãi trong năm 2011 của CTX chỉ còn là 35 tỷ đồng, giảm 50% so với số liệu được rộng rãi công bố trước đó.

 

Một loạt các doanh nghiệp khác gần đây cũng đưa ra đính chính cho báo cáo tài chính 2012 của mình như: DMH điều chỉnh doanh thu tăng thêm 4 tỷ đồng; DTL điều chỉnh giảm lợi nhuận quý IV/2012 từ 17,17 tỷ đồng còn 16,85 tỷ đồng; VHG báo số liệu dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 6,34 tỷ đồng thay vì số liệu 3,03 tỷ đồng như đã công bố; APC điều chỉnh tăng khoản phải thu khách hàng và phải trả cho người bán với số liệu chênh hơn 15 tỷ đồng; KSH chưa ghi đầy đủ phần thoái vốn đầu tư, chưa cập nhật số liệu của quý vào bảng đối chiếu biến động của vốn chủ sở hữu... Tổng số doanh nghiệp phải đính chính lên tới vài chục đơn vị.

 

Trước đó, báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2012, giới đầu tư cũng đã gặp nhiều trường hợp nhầm-sai số liệu nghiêm trọng như: HDC bất ngờ có lãi tăng 73% sau soát xét; PVL lỗ thêm 10 tỷ; FBT từ lãi thành lỗ; SHD từ 613 triệu đồng, chuyển thành lỗ 16,3 tỷ đồng; Idico từ lãi 743 triệu đồng thành lỗ 439 triệu đồng; THV từ lỗ 84,17 tỷ đồng trước soát xét tăng lên 129,44 tỷ đồng;

 

Trong năm 2011, một loạt các doanh nghiệp có chênh lệch (lên xuống) lợi nhuận sau kiểm toán lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây hoang mang cho giới đầu tư như: VCG, SBS, PVX, PVS, BTP...

 

Dù cố tình hay nhầm lẫn thì việc sai lệch số liệu đều khiến thị trường lên cơn. Tữ lỗ thành lãi khiến thị trường nghi hoặc, giá cổ phiếu loạn cơn. Từ lãi thành lỗ thì cổ đông bức xúc, như bị muốn lên cơn vì cảm giác tiền của mình bị giật mất.

 

DN tự hại mình

 

Điều khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc nhất là những thông tin có ảnh hưởng to lớn tới doanh nghiệp lại được công bố quá chậm, thậm chí không được công bố hoặc công bố với một cách thức giật khục.

 

Trong trường hợp PVX, cho tới giờ, nhiều người vẫn nửa thực nửa nghi, không biết sự thật cuối cùng là doanh nghiệp này lỗ hay lãi trong năm 2011? Lý do rất đơn giản là các thông tin điều chỉnh không được đăng tải qua con đường chính thức.

 

Sau cú điều chỉnh lãi mất 50% trong năm 2011 và lợi nhuận 2012 giảm cả chục lần so với các năm trước đó, cổ phiếu CTX cũng nhanh chóng giảm từ 9.200 đồng xuống 8.000 đồng/cp cho dù cổ phiếu này gần như không được giao dịch.

 

Trong trường hợp QCG có vẻ như lại khác, lợi nhuận của doanh nghiệp này sau điều chỉnh tăng tới 3 lần. Tuy nhiên, nó cũng không làm các nhà đầu tư an tâm bởi đây không phải là lần đầu tiên QCG đính chính số liệu.

 

Trước đó, báo cáo tài chính tháng 9/2010 cho thấy lưu tiền tệ có sự sai lệch thiếu số tiền hơn 83 tỷ đồng cuối kỳ. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của công ty cũng chênh lệch giảm số liệu lợi nhuận so với trước kiểm toán.

 

Hơn thế, lợi nhuận QCG được điều tăng trong bối cảnh doanh nghiệp này đang có kế hoạch xin ý kiến cổ đông tăng vốn "khủng" thêm 650 tỷ đồng.

 

Nhiều người cho rằng, nhân viên của một số doanh nghiệp quá kém. Ở chiều ngược lại, có người cho rằng mỗi lần "nhầm lẫn" như vậy, một số cá nhân, thậm chí cả những ông chủ doanh nghiệp sẽ được lợi bao nhiêu? Có sự dối trá, bịp bợm che mắt cổ đông nhỏ lẻ gì ở đây hay không?. Có thể thấy, vấn đề không minh bạch đang làm xói mòn niềm tin vốn đang bị suy giảm và về lâu dài là Dn và thị trường bị thiệt.

 

Theo Mạnh Hà

VEF