1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Làm ăn với Mỹ, lợi ngay tỉ đô

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm ăn sòng phẳng, uy tín vì người Mỹ thích làm trực tiếp, trung thực.

“Mỹ hiện là thị trường lớn nhất không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới với giá trị khoảng 20.000 tỉ USD. Nếu tới đây Việt Nam ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với mức thuế nhập khẩu giảm, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ được lợi 1 tỉ USD ngay trong năm đầu tiên”, ông Lương Văn Tự, nguyên đồng Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương Mại Việt - Mỹ, cho biết tại buổi hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ: Nhìn từ góc độ kinh tế ”do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TP.HCM tổ chức ngày 31/7.

Nhiều lợi thế

Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vào Mỹ đã đạt 10 tỉ USD. Với thuế suất nhập khẩu vào nước này hiện ở mức 17%, mỗi năm các DN dệt may Việt Nam phải đóng 1,7 tỉ USD tiền thuế. Nếu Việt Nam tham gia TPP, mức thuế này giảm về 0%, DN tiết kiệm được một khoản tiền lớn 1,7 tỉ USD, DN có thể tận dụng lợi thế này để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất và giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ xuất khẩu khác. Nếu lộ trình giảm thuế xuống một nửa thì cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng thị phần dệt may của mình tại Mỹ lên gấp đôi, đạt mức 20% thị phần.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright, đánh giá Mỹ không chỉ là đối tác thương mại số một của kinh tế Việt Nam mà là một nhân tố quan trọng trong câu chuyện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Điều đó thể hiện qua sự thay đổi đáng kinh ngạc trong từng hoạt động kinh doanh của DN hai nước. Như Pepsico năm 1995 khi mới đầu tư vào Việt Nam, doanh thu chỉ đạt 5 triệu USD nhưng 20 năm sau, công ty này đã đặt chỉ tiêu cho hai năm sắp tới sẽ đạt mức doanh thu 1 tỉ USD. Hay như dệt may Việt Nam, năm 2000 kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt 45 triệu nhưng hiện nay đã đạt 10 tỉ USD. Sắp tới khi Việt Nam hội nhập TPP, giá trị trên còn tăng hơn thế nữa.

Làm ăn với Mỹ, lợi ngay tỉ đô - 1

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Mỹ đã đạt 10 tỉ USD. Ảnh: CTV

Cái lợi lớn nữa đối với DN Việt là được giao thương trực tiếp với DN Mỹ mà không phải qua các tầng lớp trung gian như hiện nay.

Nói về chuyện phải làm ăn qua trung gian với Mỹ, ông Lương Văn Tự kể trước đây người dân Mỹ khoái ăn cá kèo nhưng muốn xuất cá kèo đông lạnh sang Mỹ phải xuất qua Singapore. DN Singapore đưa về đóng gói, dán thương hiệu bán sang Mỹ với giá trị gấp nhiều lần so với DN Việt Nam thu được.

Ông Tự cho hay hiện nay vẫn còn những DN Việt muốn xuất hàng sang Mỹ phải qua 3-4 đối tác trung gian, phần lớn phải qua một trung gian. Chỉ có một số ít DN làm ăn trực tiếp được với nhà bán lẻ Mỹ.

Làm ăn với Mỹ phải chất lượng, trung thực

Lợi thế đã có nhưng cần có những điều kiện về hạ tầng, logistics (hậu cần vận chuyển), chính sách hỗ trợ và chính bản thân DN phải tận dụng được lợi thế, nếu không lợi thế đó bị các DN nước ngoài tận dụng.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ: “Hiện nay, giá thép bán sang các nước trong khu vực chỉ ở mức 700-800 USD/tấn, trong khi xuất sang Mỹ giá thép bán được giá cao hơn lên tới 1.000 USD/tấn. Nếu tính cước phí vận chuyển thẳng từ Việt Nam đi Mỹ chỉ 55-65 USD/tấn tính ra DN vẫn bán được giá cao hơn các thị trường khác 150-250 USD/tấn. Tuy nhiên, Việt Nam không có tàu đi thẳng sang Mỹ, DN phải đi ké các tàu nước khác xuất sang Mỹ. DN không chủ động được thời gian giao hàng, không xuất được đơn hàng lớn, lại tốn thêm chi phí. Nhiều hãng tàu nước ngoài biết được lợi thế của DN Việt Nam, họ đã tận dụng biến thành lợi thế kinh doanh của họ”.

Ông Vũ tiết lộ hiện nay DN nhận được rất nhiều đơn hàng mua thép từ Mỹ dù giá của DN cao hơn Trung Quốc, Đài Loan cả 100 USD/tấn. Chất lượng, trung thực về giá cả, hiểu tâm lý khách hàng, sản phẩm tiêu chuẩn thế giới thì sản phẩm vẫn được thị trường Mỹ chấp nhận.

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Tự cho rằng DN Việt Nam phải có cái nhìn rộng ra thế giới khi hội nhập. “DN Việt học ngay DN Malaysia chứ không đâu xa. Một DN sản xuất đệm ô tô, họ đầu tư nhiều nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm đệm khác chứ không chỉ sản xuất đệm cho mỗi thị trường trong nước của họ. Chính vì vậy khi Malaysia tham gia ký kết các hiệp định thương mại, lập tức sản phẩm đệm của DN có nhiều đơn hàng xuất khẩu nhờ đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu” - ông Tự nói.

Việt Nam xuất siêu hơn 22 tỉ USD sang Mỹ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2014,kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ đạt 28,6 tỉ USD,chiếm hơn 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 6,3 tỉ USD, chỉ chiếm hơn 4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2014.

Như vậy, tính chung cả năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Mỹ 22,4 tỉ USD - con số cao kỷ lục và đóng góp tỉ trọng lớn vào thặng dư thương mại của cả nước năm 2014.

Số liệu thống kê chi tiết cho thấy trong năm qua, Việt Nam có đến tám nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, bao gồm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, điện thoại…

Theo Quang Huy
Pháp Luật TPHCM

Làm ăn với Mỹ, lợi ngay tỉ đô - 2