1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Lãi suất huy động VND lên 10%, cuộc đua ngày càng gay cấn

(Dân trí) - Chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm mà một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vừa phát hành được xem là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay.

Thông tin từ Ngân hàng Bản Việt cho biết, ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm.

Khảo sát thị trường cho thấy, 10,2%/năm là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay. Mức lãi suất này cũng tương đương với lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài phổ biến trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, mức lãi suất này cũng đang ngang ngửa và cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính tiêu dùng.

Lãi suất huy động VND lên 10%, cuộc đua ngày càng gay cấn - 1

Lãi suất huy động VND lên 10%, cuộc đua ngày càng gay cấn (ảnh minh họa).

Trước đó, trên thị trường cũng đã có 2 ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,1%/năm là VIB và VietABank. Những ngân hàng khác đa số phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm.

Không huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, mới đây Ngân hàng ABBANK thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng cho biết sẽ tổ chức ngày vàng gửi tiền vào 20 và 21/8 khi chỉ cần gửi 100 triệu kỳ hạn 6 tháng đã được lãi suất 8,08%/năm. 

Cách đây vài hôm, SHB cũng điều chỉnh lãi suất cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.

Một ngân hàng khác là OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỷ lệ này đã tăng 0,3%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái tăng mạnh lãi suất đầu vào để huy động vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay có thể xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019 từ 45% xuống còn 40%.

Thống kê hoạt động ngân hàng từ ngày 12-16/8 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 354.305 tỷ đồng, bình quân 70.861 tỷ đồng/ngày, tăng 12.901 tỷ đồng/ngày so với tuần từ 5 - 9/8; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 119.210 tỷ đồng, bình quân 23.842 tỷ đồng/ngày, giảm 278 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

An Hạ