1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lại “lách” lãi suất VND lên 17%/năm

(Dân trí) - Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, từ 1/4, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động VND lên mức 17%/năm trong khi trần lãi suất vẫn giữ ở mức 14%. Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, “lách” lãi suất như vậy là không thể chấp nhận.

Lại “lách” lãi suất VND lên 17%/năm - 1
Lãi suất VND lại được 1 số ngân hàng đẩy lên mức 17%/năm.
 
Tìm hiểu của PV Dân trí, các ngân hàng “lách” lãi suất lên mức 17%/năm vẫn thông qua các hình thức cũ như thưởng lãi suất, quà tặng, khuyến mãi... trả ngay khi khách hàng thân quen gửi tiền, còn trên văn bản vẫn ghi rõ là 14%, đáo hạn cuối kỳ.
 
Theo Tổng Giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên trên 20%/năm, lúc cao điểm là 23% nên huy động tiết kiệm cao hơn 14% là bình thường.
 
Đại diện một ngân hàng cổ phần khác cũng cho biết, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đang dao động từ 16 - 18,5%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng.
 
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: “Các ngân hàng trên đã vi phạm quy chế lãi suất của NHNN và thỏa thuận trần lãi suất 14% của Hiệp hội ngân hàng thời gian qua”.
 
“Tôi không ủng hộ việc các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất như vậy vì đây có thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến” lãi suất trên thị trường và ảnh hưởng đến quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ thời gian qua” - ông Kiêm nêu quan điểm.
 
Tăng lãi suất VND lên 17%/năm có phải là việc bất đắc dĩ của các ngân hàng trước mặt bằng tiêu dùng hiện nay giá cái gì cũng tăng? Trả lời câu hỏi này của PV Dân trí, ông Kiêm cho rằng đây cũng có thể là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân chính. Bởi các ngân hàng cần nâng cao tính quản trị, tăng cường hệ thống của mình để trở thành ngân hàng có sức cạnh tranh tốt thông qua nhiều dịch vụ chứ không nên chỉ chạy đua tăng lãi suất để lôi kéo khách hàng thời điểm này.
 
Trái ngược với quản lý Nhà nước lo ngại về lãi suất VND lên 17%/năm thì người gửi tiền lại tỏ ra khá hồ hởi khi lãi suất tăng vì hiện giá cả thị trường tiêu dùng vẫn đang tăng sau “cú sốc xăng, dầu”.
 
An Hạ