1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kinh tế tăng trưởng cao, doanh nghiệp lớn sao vẫn không chịu lên sàn chứng khoán?

(Dân trí) - Vì sao kinh tế tăng trưởng tốt nhưng thị trường chứng khoán lại khó khăn, vắng bóng doanh nghiệp lớn lên sàn? Đó là câu hỏi được đưa ra tại Hội nghị tổng kết do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều nay (20/12).

Kinh tế tăng trưởng cao, doanh nghiệp lớn sao vẫn không chịu lên sàn chứng khoán? - 1
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: N.M

Phát biểu tại hội nghị giới thiệu Luật chứng khoán (sửa đổi) diễn ra chiều nay (20/12), ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tổng số doanh nghiệp chứng khoán sụt giảm 20% doanh số. Theo đó, nhiều doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với năm trước.

Ngoài ra theo ông Sơn, khối lượng giao dịch giảm, hàng hoá ra thị trường cũng giảm. Tổng giá trị cổ phiếu đăng ký phát hành tính đến thời điểm gần cuối tháng 11/2019 đạt 104 nghìn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2018.

“Năm nay trong bối cảnh nhiều xung đột, chúng ta giữ được chỉ số VN-Index như này là sự nỗ lực cao. Thị trường không có sự đổ vỡ lớn”, ông Sơn nói khi đề cập tới thắc mắc vì sao tăng trưởng kinh tế tốt, thị trường chứng khoán vẫn khó khăn.

 Thị trường chứng khoán năm nay cũng vắng bóng các doanh nghiệp lớn lên sàn. Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, Uỷ ban luôn sẵn sàng chờ có hồ sơ đến thì xem xét cấp.

“Nhưng thị trường khó nên tôi đoán doanh nghiệp đắn đo. Phát hành ra sợ không nhiều người mua”, ông Sơn cho rằng, doanh nghiệp có những tính toán riêng.

Liên quan đến thị trường phái sinh, ông Sơn cho biết: Trong 2 năm qua, chúng ta mạnh dạn mở thị trường này. Nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia nhiều dẫn đến còn xuất hiện tình trạng đầu cơ trong khi đó tại các thị trường phát triển xuất hiện sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn.

“Trước khi mở cửa thị trường này chúng tôi cũng lo lắng, nhưng nhìn chung thị trường vẫn đang biến động khá tương đồng với thị trường cơ sở”, ông Sơn nói.

Năm 2020, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có những khởi sắc.

Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế diễn biến phức tạp do chịu tác động bởi căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ Trung, tăng trưởng kinh tế của các nước chủ chốt trên thế giới kém tích cực nhưng được hỗ trợ bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến ngày 6/12/2019, chỉ số VnIndex đạt 963,56 điểm; tăng 8% so với cuối năm 2018; chỉ số HNX – Index đóng cửa ở mức 102,5 điểm; giảm 1,7% so với cuối năm 2018.

Mức vốn hoá thị trường đạt 4.383 nghìn tỷ đồng; tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP. Về quy mô giao dịch đạt 4.639 tỷ đồng/phiên; giảm 29% so với bình quân năm 2018.

Về phát hành cổ phiếu: Tổng giá trị cổ phiếu đăng ký phát hành tính đến thời điểm 20/11/2019 đạt 104 nghìn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến thời điểm 20/11/2019, có 744 công ty đại chúng niêm yết, giảm 3 công ty so với cuối năm 2018; 861 công ty UPCoM tăng 7,6% so với cuối năm 2018 và số công ty đại chúng chưa niêm yết/đăng ký giao dịch là 369 công ty, giảm 12,5% so với năm 2018.

Nguyễn Mạnh

Kinh tế tăng trưởng cao, doanh nghiệp lớn sao vẫn không chịu lên sàn chứng khoán? - 2