1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm

(Dân trí) - Đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ "khựng" lại trong 3 tháng cuối năm 2012. Lý do là, cuộc tranh cãi nảy lửa tăng thuế và cắt giảm ngân sách đã khiến các công ty nước này cắt giảm hàng tồn kho và Chính phủ giảm chi tiêu.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện còn ở mức 7,5% - Ảnh: Telegraph
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện còn ở mức 7,5% - Ảnh: Telegraph

Theo báo Wall Street Journal, GDP của Mỹ trong quý 4/2012 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm đầu tiên trong vòng 3 năm rưỡi, tức là kể từ khi kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính. Số liệu này được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày hôm qua, 30/1.

Sự suy giảm này của kinh tế Mỹ nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones Newswires thăm dò ý kiến dự báo GDP của Mỹ tăng 1% trong quý vừa qua.

Kinh tế Mỹ suy giảm phản ánh những lo ngại xung quanh vấn đề cuộc đàm phán về “vực thẳm ngân sách” của các nhà làm luật nước này trong quý 4. Trước đó, trong quý 3/2012, GDP của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong quý 4 đã giảm 15%, mạnh nhất kể từ năm 1973. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có thể vì lo ngại sự suy giảm của nhu cầu đã cắt giảm lượng hàng tồn kho. Hai yếu tố này được cho là đóng vai trò chính trong việc đưa kinh tế Mỹ chuyển từ tăng trưởng trong quý 3 sang suy giảm trong quý 4.

 “Giống như có một bàn tay khổng lồ đang ghìm nền kinh tế xuống. Những yếu tố cơ bản của nền kinh tế đều đang mạnh”, ông Tim Hopper, chuyên gia kinh tế trưởng của TIAA-CREF, nhận xét.

Với việc Quốc hội Mỹ đã đạt thỏa thuận chặn đứng “vực thẳm ngân sách” - tình huống trong đó thuế tăng và chi tiêu công giảm với tổng trị giá 600 tỷ USD - ông Hopper dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ trở lại với tốc độ tăng trưởng vừa phải trong năm nay.

Tuy nhiên, việc tăng một số loại thuế và khả năng cắt giảm ngân sách liên bang có thể gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2013. Ngoài ra, xuất khẩu của Mỹ hiện cũng không thuận lợi do suy thoái kinh tế ở châu Âu. Trong quý 4, xuất khẩu của Mỹ giảm 5,7%.

“Bước sang năm 2013, nền kinh tế có ít xung lực tăng trưởng hơn so với dự kiến ban đầu, trở nên dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài”, ông Stuart Hoffman, chuyên gia kinh tế trưởng của PNJ Financial Services Group, nhận xét.

Tính chung cả năm 2012, GDP của Mỹ tăng 2,2%, cao hơn so với mức tăng 1,8% đạt được trong năm 2011.

Siêu bão Sandy đổ bộ vào khu vực Bờ Đông của nước Mỹ hồi tháng 10 cũng được xem là một nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ suy giảm trong quý. Bộ Thương mại nước này ước tính, siêu bão Sandy đã phá hủy số tài sản trị giá 35,8 tỷ USD của khu vực tư nhân và 8,6 tỷ USD của khu vực công.

Theo dự báo của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty bảo hiểm thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải trả số tiền bảo hiểm 20,6 tỷ USD cho cơ bão này, bên cạnh 7,5 tỷ USD mà chương trình bảo hiểm lũ lụt của Chính phủ Liên bang phải chi trả.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kết thúc vào đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ duy trì các chương trình mua tài sản với tổng trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong đó, mỗi tháng, FED sẽ mua vào 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc và 45 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.

Ngoài ra, FED cũng tuyên bố giữ nguyên chủ trương giữ lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục 0-0,25% chừng nào tỷ lệ thất nghiệp còn ở trên ngưỡng mục tiêu 6,5% và lạm phát còn chưa vượt quá 2,5%.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tính đến tháng 12 vừa qua là 7,5%, trong khi lạm phát của nước này theo số liệu mới nhất tính đến tháng 11 là 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phương Anh
Theo Wall Street Journal, Bloomberg