1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh tế khổ sở thời Covid-19: Dân có nhiều tiền cũng không tiêu nhiều hơn

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, thời điểm này cầu về hàng hoá “nén" lại vì những lo lắng trước dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp. Việc kích cầu, tăng tiền thời điểm này không có nhiều ý nghĩa...

Kinh tế khổ sở thời Covid-19: Dân có nhiều tiền cũng không tiêu nhiều hơn - 1
Cảnh vằng vẻ tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: N.Mạnh.

Kiên quyết không lạm dụng chính sách tiền tệ

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Nguyễn Minh Đức (VCCI) cho rằng kinh tế đang hứng chịu những tác động lớn khi dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp.

Nói về giải pháp, ông Minh Đức cho rằng thời điểm này cần kiên quyết không lạm dụng chính sách tiền tệ. Đối tượng áp dụng hỗ trợ cần được xác định rõ ràng, có chọn lọc, không thể đại trà. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường, vận hành theo quy luật thị trường sau dịch.

“Cá nhân tôi nghĩ kích cầu, tăng tiền thời điểm này không mang lại nhiều hiệu quả nhưng có thể gây nhiều hệ luỵ. Mọi người dừng lại mua sắm nhiều thứ vì dịch bệnh, vì hạn chế đến nơi đông người chứ không phải nền kinh tế thiếu tiền. Người ta có thêm tiền trong túi cũng không tiêu pha nhiều hơn”, ông Đức nói.

Trong các giải pháp hỗ trợ, ông Đức cho rằng gói tài khoá sẽ là quan trọng, được mong chờ, có ưu điểm hơn chính sách tiền tệ là có khả năng chọn lọc đối tượng tốt hơn.

Trong khi đó, việc sử dụng chính sách tiền tệ thì có thể nâng toàn bộ nền kinh tế, đối tượng quá rộng, nguy cơ chệch vào bất động sản, đầu cơ tài chính là hoàn toàn có thể.

“Tôi được biết Ngân hàng Nhà nước hiện cũng không có ý định tăng cung tiền, gói hỗ trợ được nói tới vừa qua cho phép ngân hàng thương mại hỗ trợ với khách hàng trong việc cơ cấu phân loại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất…”, ông Đức nói.

Quan điểm không lạm dụng chính sách tiền tệ được nhiều chuyên gia nhấn mạnh thời gian qua. Trao đổi với Dân trí, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính doanh nghiệp cũng nhấn mạnh cần thận trọng, không thể vội vàng lạm dụng chính sách tiền tệ.

Việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể gây nhiều hệ lụy phát sinh như mất giá đồng tiền, lạm phát cao, tỷ giá biến động mạnh… khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Thực tế còn cho thấy, lạm phát tăng trong tháng 1 vừa qua là chỉ báo rất đáng lưu tâm. Sức cầu hiện nay giảm không phải do dân thiếu tiền mà vấn đề tâm lý e ngại.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định ổn định vĩ mô vẫn là then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này và Chính phủ chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế.

Suy thoái là nguy cơ hiện hữu

Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 được đánh giá không gói gọn trong vài nền kinh tế nhỏ mà ngay cả những nền kinh tế lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu cũng đang bị tác động.

Ở Việt Nam, dịch bệnh đang bước vào giai đoạn mới, phức tạp hơn rất nhiều với số ca tăng thêm từng ngày. Cùng với đó, người ta lo ngại về vấn đề suy thoái.

Kinh tế khổ sở thời Covid-19: Dân có nhiều tiền cũng không tiêu nhiều hơn - 2
Người dân chủ yếu quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu giai đoạn này.

“Suy thoái có thể xảy ra. Nhưng sức khoẻ vẫn quan trọng hơn tiền bạc”, ông Nguyễn Minh Đức nói. Tuy nhiên, ông Đức có một lưu ý, nếu thời gian qua Việt Nam sử dụng biện pháp tương đối mạnh với kỳ vọng có thể dập được dịch thì trong giai đoạn mới này, nên tính tới việc thay đổi chiến lược.

Ông Đức nói, nhưng biện pháp tương đối mạnh để “dập dịch" gây tốn kém khá lớn cho ngân sách, kinh tế. Khi số lượng bệnh nhân nhiều hơn với lượng F1, F2, F3… tăng khủng khiếp sẽ gây áp lực lớn tới ngân sách. Cần tính tới phương án phù hợp giai đoạn mới, đối mặt để giảm bớt thiệt hại thôi.

Trao đổi với Dân trí, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho rằng, nếu kéo dài như dịch SARS năm 2003, từ 6-8 tháng mới kiểm soát được khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế là hiện hữu.

Kịch bản có thể thấy, đó là khi những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công. Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cho cầu trong nền kinh tế bị sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo.

Lúc này doanh nghiệp phải có cái nhìn dài hơi, chuẩn bị cho mình chiến lược sống còn, cầm cự được 6 tháng - 1 năm. Nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục duy trì bình thường, không cân đo đong đếm, liệu cơm gắp mắm sẽ dễ dẫn tới phá sản.

Còn về phía Chính phủ, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là kiểm soát dịch bệnh thật tốt; tạo niềm tin cho xã hội. Bên cạnh đó đưa ra thông điệp kêu gọi, người dân, doanh nghiệp chia sẻ rủi ro, cùng hỗ trợ nhau để “sống" qua cơn dịch. Nhà nước lúc này không nên hỗ trợ trực tiếp. Bởi chống dịch tốn kém, nguồn thu giảm, hãy tập trung chống dịch, kiểm soát ổn định vĩ mô.

Ông Minh cho rằng, kịch bản tệ nhất, trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng.

Giải pháp này không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại.

Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh vừa kết thúc.

Nguyễn Mạnh