1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kinh doanh sa sút, Vinasun tiếp tục “đổ lỗi” cho Grab

(Dân trí) - Một năm kinh doanh bết bát của Vinasun tiếp tục diễn ra trong năm 2018 khi doanh thu giảm 29% và lợi nhuận bốc hơi hơn 53% so với 2017. Giải trình nguyên nhân, Vinasun chỉ nêu duy nhất 1 lý do đó là “sự cạnh tranh không bình đẳng từ công ty taxi nước ngoài”.

Trên thị trường chứng khoán sáng nay, cổ phiếu VNS của Vinasun tê liệt thanh khoản, hoàn toàn không có giao dịch nào diễn ra và dẫm chân tại mức giá tham chiếu 14.450 đồng.

Mới đây, Vinasun đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 cho thấy, các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp năm vừa rồi đều giảm rất mạnh.

Kinh doanh sa sút, Vinasun tiếp tục “đổ lỗi” cho Grab - 1

Những năm gần đây, Vinasun kinh doanh chật vật

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2018 của “ông lớn” taxi này đạt 2.073 tỷ đồng, giảm hơn 29% so với năm 2017.

Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi mang về 889,8 tỷ đồng cho Vinasun, giảm mạnh chỉ còn bằng 43% so với năm 2017. Doanh thu từ nhượng quyền thương mại và khai thác taxi tăng 55% lên 877,7 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các loại chi phí, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vinasun chỉ còn 10 tỷ đồng, bằng 27,6% kết quả đạt được của năm trước.

Nguồn lợi nhuận khác chiếm tỷ trọng lớn với 105,2 tỷ đồng song đã giảm phân nửa so với năm trước đó, một phần do bị sụt giảm nguồn thu từ thanh lý tài sản cố định. Năm 2018, Vinasun thu về 48,5 tỷ đồng doanh thu từ thanh lý tài sản cố định, giảm 71% so với năm 2017.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Vinasun trong năm 2018 đạt còn 115,3 tỷ đồng, giảm gần 53% và lãi sau thuế cũng giảm tương ứng, đạt xấp xỉ 89 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân khiến lợi nhuận “ròng” bốc hơi 53,5% so với năm 2017, lãnh đạo Vinasun chỉ đưa ra một lý do duy nhất : doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2018 giảm mạnh so với doanh thu kinh doanh năm 2017 vì sự cạnh tranh không bình đẳng từ công ty taxi nước ngoài.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, vụ kiện tụng đầy ồn ào giữa Vinsun và Grab cũng đã kết thúc với tuyên bố của phiên toà sơ thẩm yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Grab. Tuy nhiên sau đó cả hai phía đều kháng cáo. Trong khi Vinasun yêu cầu toà cấp phúc thẩm buộc Grab bồi thường 36,3 tỷ đồng còn lại thì Grab lại đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.

Tạm kết phiên giao dịch sáng nay (5/4), các chỉ số tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ. VN-Index tăng 1,84 điểm tương ứng 0,19% lên 988,75 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm tương ứng 0,3% lên 107,74 điểm.

Điểm tích cực là số mã tăng đang hoàn toàn chiếm ưu thế trên quy mô toàn thị trường với 331 mã tăng, 55 mã tăng trần so với 230 mã giảm, 26 mã giảm sàn.

Thanh khoản thấp với 92,32 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 1.789,44 tỷ đồng và 15,22 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 185,82 tỷ đồng.

Theo đánh giá của VCBS, chỉ số chung tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và vẫn chưa xuất hiện xu hướng mới. Nhà đầu tư thể hiện tâm lý thận trọng trong bối cảnh thị trường trong nước thiếu vắng nhân tố hỗ trợ tích cực và cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết với kết quả cụ thể nào.

Trong bối cảnh hiện nay, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc đứng ngoài thị trường quan sát thêm hoặc giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn các cổ phiếu thuộc vốn hóa nhỏ và trung bình với tỉ trọng vừa phải trong danh mục để tận dụng việc mức biến động trong phiên của các cổ phiếu này thường sẽ lớn hơn mức biến động của chỉ số chung.

Mai Chi