1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Kìm” giá để “níu” khách

(Dân trí) - Trong khi nhiều hàng hóa, dịch vụ đang trong “cơn sóng” tăng giá thì không ít đơn vị kinh doanh đưa ra chính sách không tăng giá để giữ chân khách hàng.

“Kìm” giá để “níu” khách - 1
Nhiều dịch vụ "không tăng giá" trong thời bão giá.
 
Không như nhiều cửa hàng khác vắng khách hơn khi giá tăng, điểm rửa xe 53 Trần Bình Trọng (Q. Bình Thạnh) hay số 207 Phạm Ngũ Lão, (P.4, Q. Gò Vấp), lượng khách ra vào không những không bị giảm sút mà còn tăng lên từng ngày nhờ việc giữ nguyên giá dịch vụ. Họ chấp nhận giảm lợi nhuận nhưng bù lại không phải lo lắng cảnh ế ẩm khi tăng giá như nhiều cửa hàng trước.

Tấm biển “Rửa xe không tăng giá” của điểm rửa xe 207 Phạm Ngũ Lão trở thành chiêu “khuyến mãi” hấp dẫn với khách hàng. Nhờ thế, lượng khách đến rửa xe, bảo trì ô tô xe máy nơi đây rất ổn định.

Ông Quốc Việt, chủ tiệm rửa xe này cho hay, dù gặp khó khăn khi giá cả mọi thứ tăng cao nhưng vẫn cố gắng để giữ giá dịch vụ. "Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận bù lại lượng khách đến tiệm sử dụng dịch vụ không bị giảm mà còn có phần tăng. Nhờ vậy mà chúng tôi không phải giảm số người làm thuê."
Một trong những khó khăn lớn nhất của các hoạt động kinh doanh khi giá cả tăng là giữ chân khách hàng vì họ thường cắt giảm chi tiêu hay tìm đến các nơi khác có giá dịch vụ thấp hơn. Với việc không tăng giá, dù giảm lợi nhuận, nhiều đơn vị đã bớt được nỗi lo đầu ra. Nhiều quán ăn, cửa hàng thời trang, ga đệm, đồ dân dụng… tại TP.HCM đang áp dụng hình thức này để duy trì việc kinh doanh được trôi chảy.

Tại quán cơm Cây Khế (đường Nguyễn Oanh, Q. Gò Vấp), lượng khách ra vào ăn uống trong thời điểm này còn tấp nập hơn trước. Trong khi đó, nhiều quán cơm bên cạnh lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Mức giá ở đây được ghi nhận chỉ tăng giá nhẹ sau Tết, còn nữa vẫn đang “gồng mình” vượt qua nhiều đợt thực phẩm tăng giá khác.

Chị Lê Thị Hoan (ở P.17, Q. Gò Vấp), khách hàng thường ăn uống tại quán cơm này chia sẻ, chị rất hài lòng và thường rủ bạn bè, người thân đến đây ăn uống vì giá bán không tăng. “Nhiều người nghĩ giá không tăng khẩu phần bữa ăn sẽ giảm nhưng thực tế tôi thấy mỗi phần cơm không bị vơi đi chút nào. Khi mà mọi thứ tăng giá, tinh thần giữ giá của quán đã được mình ủng hộ rồi.”

Tại các siêu thị bán lẻ, việc “kìm” giá luôn là chính sách hàng đầu để giữa chân cũng như lôi kéo khách hàng. Thế nên nhiều nhà bán lẻ không ngừng trữ hàng để giữ giá, chấp nhận giảm lợi nhuận để có được giá cạnh tranh tốt nhất.

“Kìm” giá để “níu” khách - 2

Việc "kìm" giá vào thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, tăng sức cạnh tranh.
 
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại siêu thị Big C, cho biết, BigC luôn lưu ý với các nhà cung cấp khi nhận được quyết định, yêu cầu tăng giá. Bởi việc tăng giá trong những thời điểm nhạy cảm hết sức bất lợi khi sức mua sẽ giảm.
 
“Chúng tôi luôn cố gắng thu mua hàng hóa tận gốc, tiếp tục phát triển các nhãn hàng riêng của siêu thị để có được giá tốt nhất. Thậm chí vì để đảm bảo giá, tăng sức cạnh tranh trong tình hình hiện nay chúng tôi chấp giảm một phần lợi nhuận”, bà Trang nhấn mạnh.

Đại điện một nhà bán lẻ khác tại TP.HCM cho biết, nhiều mặt hàng tại siêu thị sau khi tăng giá bị người tiêu dùng “quay lưng”, nằm ế ẩm buộc phải gỡ khỏi kệ để dành vị trí cho hàng hóa khác. “Kể cả khi muốn quay lại giá cũ thì cũng đã mất khách. Bởi thế tất cả các nhà sản xuất mỗi khi tăng giá phải hết sức thận trọng, được đà “tát nước theo mưa” có khi hối cũng không kịp khi bị các đối thủ “nẫng” mất khách hàng”, người này phân tích. 

Hoài Nam