1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kiên quyết loại bỏ những người trục lợi, cản trở doanh nghiệp, người dân

(Dân trí) - Chiều nay (7/11) với hơn 85,02% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017. Nghị quyết nêu rõ xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Chiều nay (7/11) với hơn 85,02% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017.

Theo đó, trong năm 2017, mục tiêu tổng quát là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ nền kinh tế…

Trong đó, tốc độ tăng GDP năm 2017 cần đạt khoảng 6,7%; xuất khẩu tăng 6-7%; nhập siêu khoảng 3,5%; lạm phát 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 31,5% GDP... Như vậy, theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế mục tiêu được đặt ngang với năm 2016.


Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 (Ảnh: Quochoi.vn)

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, có một số ý kiến đại biểu đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% nhất là trong bối cảnh năm 2016 hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt tác động xấu đến sản xuất trong những tháng cuối năm và cả năm 2017.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cả hai bản kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều có một điểm chung, đó là rất tham vọng.

Nêu lên mối lo ngại của mình, ông Lộc cho hay: "Nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn trước, chính việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ luỵ như lạm phát, nợ công và nợ xấu … mà cho đến nay vẫn còn loay hoay chưa giải quyết xong".

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, bắt đầu từ năm 2017 cũng sẽ bắt đầu thực hiện đồng bộ kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ đã xin đề nghị giữ như trong dự thảo nghị quyết để phấn đấu quyết liệt nhằm thực hiện mức cao nhất theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: "Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng thì chúng ta không thể có động lực và sự thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh, quyết liệt được. Từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là nợ công, bội chi và tụt hậu. Cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng, e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn, thách thức để tận dụng cơ hội, thậm chí biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn.

Bên cạnh đó, phải vượt qua được lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ và chia cắt.

Vấn đề này cũng đã được đề cập tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 với yêu cầu: "Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao năng lực, kỷ luật, đạo đức và thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ".

Đồng thời, để đạt được những mục tiêu đề ra, Quốc hội cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bích Diệp