1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thừa Thiên Huế:

Kiếm trăm triệu mỗi năm từ nuôi bồ câu Pháp, gà đồi

(Dân trí) - Từ một lái buôn chuyên cung cấp bồ câu cho các nhà hàng ở Huế, Lê Văn Hiếu ( 30 tuổi, thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã trở thành chủ trang trại bồ câu, gà đồi với thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

Trước khi chuyển sang mô hình nuôi chim bồ câu, Hiếu từng là một lái buôn chuyên cung cấp bồ câu thịt cho các nhà hàng tại Huế. Mặc dù công việc rất thuận lợi nhưng Hiếu luôn mong ước có thể tự mình chăn nuôi để thỏa lòng đam mê. Năm 2013, khi được một chủ trang trại bồ câu Pháp tại Đà Nẵng gợi ý muốn sang nhượng lại trang trại, Hiếu đồng ý ngay, bỏ hẳn việc buôn bán về mở trang trại chăn nuôi.

“Người dân ở đây ai cũng nói mình rất có duyên với chăn nuôi, bản thân mình cũng thấy vậy. Còn nhớ hồi trước, mẹ mình nuôi heo nái giống cứ chết hoài, không chết thì cũng không đẻ được, thế mà mình nuôi thì lại đẻ ùn ùn. Điều đặc biệt từ khi lập trang trại đến bây giờ mọi thứ đều thuận lợi, ít dịch bệnh, giống vật nuôi cũng tăng trưởng rất nhanh” - Hiếu vui vẻ tâm sự.

Trang trại bồ câu Pháp của anh Lê Văn Hiếu
Trang trại bồ câu Pháp của anh Lê Văn Hiếu

Hiện trang trại của Hiếu có 250 cặp bồ câu Pháp bố mẹ, mỗi tháng xuất khoảng 140 cặp bồ câu thịt. Giá trung bình một cặp bồ câu thịt từ 90.000 – 100.000 đồng (một con khoảng 20 – 25 ngày tuổi), giá con giống khoảng 200.000 đồng một cặp, sau khi trừ chi phí Hiếu cũng lãi trên 60 triệu đồng mỗi năm. Do nhu cầu thị trường lớn, bồ câu lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng, nên Hiếu dự định trong năm nay nuôi thêm 250 cặp bồ câu Pháp nữa để nhân giống và bán thịt.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi loại chim này, Hiếu cho biết: “Bồ câu là loại chim có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và rất dễ nuôi. Bồ câu nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Bình quân một con chim bố mẹ đẻ 8 -10 lứa, mỗi lứa 2 trứng, tỷ lệ nở thành con gần như tuyệt đối.

Thức ăn của loài chim này cũng rất đơn giản, chủ yếu là cám và thóc. Tuy nhiên, để tránh dịch bệnh thì người nuôi phải chú ý thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Khi chim sinh sản nên cung cấp thêm chất bổ cho chim mẹ, nếu được chăm sóc tốt thì bồ câu sẽ có thể kéo dài thời gian sinh sản”.

Anh Hiếu cho biết bồ câu Pháp dễ nuôi mà giá thành lại cao.
Anh Hiếu cho biết bồ câu Pháp dễ nuôi mà giá thành lại cao.

Nhờ có diện tích đất rộng lại thoáng mát, nên bên cạnh nuôi bồ câu Pháp anh Hiếu còn nuôi thêm gà kiến cỏ, ếch và ươm cây giống Trầm Gió để bán cho bà con tại địa phương, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới Hiếu chia sẻ: “Mình đang tìm hiểu, mở rộng chuồng trại để nuôi thêm bồ câu, gà đồi với hi vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng trong tỉnh mà còn cho các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, ngoài ra mình cũng dự định mở rộng hồ để nuôi thêm ếch”.

Huế Đinh – Đại Dương

Kiếm trăm triệu mỗi năm từ nuôi bồ câu Pháp, gà đồi - 3