1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kiểm tra, làm rõ thông tin "gạo nhựa tại TP Hồ Chí Minh"

(Dân trí) - Theo phản ánh của một người dân, gạo nấu thành cơm lúc chín lúc sống, có vài hạt lẫn trong cơm nghi là nhựa đốt cháy khét; gạo rang trong chảo khét mùi nhựa và kết dính thành từng cục...

Theo phản ánh, gia đình chị Ngô Hoàng Phương Đông, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM) ghi nhận hiện tượng này sau khi mua 20kg gạo tại một cửa hàng quen biết. Phóng viên Dân trí vừa có cuộc trao đổi với ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Ông Hào cho biết: Đơn vị này đã cử đại diện đến gia đình chị Đông để lấy mẫu. "Công tác kiểm nghiệm đang được tiến hành nhằm kiểm tra hàm lượng Amyloza và Amylopectin trong hạt gạo, qua đó xác định loại gạo này có phải gạo thông thường không, liệu có những hạt bất thường (hạt nhựa - PV) không. Tôi khẳng định, việc kiểm tra rất dễ dàng và chúng tôi sẽ sớm có câu trả lời tới dư luận".

Ông Phùng Hữu Hào nhấn mạnh, có ý kiến cho rằng có thể một số đối tượng dùng tinh bột sắn, khoai tây trộn với nhựa để làm thành gạo, bán ngoài thị trường. "Tôi nói thật, với giá gạo rẻ như hiện nay không ai bỏ công sức ra để làm việc vô bổ ấy. Nếu cho rằng kinh doanh buôn bán kiếm lời theo phương thức trên, theo tôi là không có cơ sở. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng có người đưa ra thông tin nhằm mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận”, ông Hào nhấn mạnh.

Theo ông Hào, để người dân có thể vững tâm hơn, không khó để thực hiện việc kiểm tra, nhận biết. Cách thứ nhất, chỉ cần ngâm vào nước, dựa vào sự nổi chìm của hạt gạo là phân biệt được.

Cách thứ 2, đó là ngâm vào nước khoảng vài tiếng sau đó xay hoặc nghiền, nếu là hạt gạo thật thì dễ dàng trở thành bột mịn và tinh bột. Nếu là hạt nhựa hoặc cao su thì không thể.

Cũng có cách khác, theo ông Hào, nếu cẩn thận hơn, người dân có thể đun bột vừa xay lên thành hồ và tiến hành thí nghiệm hóa học bằng cách nhỏ một ít nước i-ốt vào. Nếu là tinh bột "xịn" thì sẽ chuyển sang màu xanh, còn với thành phần nhựa không thể chuyển màu được.

Ngoài ra, có thể đưa vào phân tích phòng kiểm nghiệm, để biết thành phần Amyloza và Amylopectin trong gạo. Gạo có chứa hàm lượng Amylopectin cao thì thường dẻo và dính hơn khi nấu thành cơm. Còn nếu gạo có thành phần Amyloza cao thì sẽ có độ trắng trong hơn và ít dẻo hơn.

Ông Hào cũng khẳng định thêm: "Việc đốt hạt gạo thấy mùi khét là chuyện bình thường vì trong thành phần của gạo hoặc cơm đều có protein, tinh bột và một tỷ lệ nhất định chất béo".

Dân trí sẽ gửi tới bạn đọc thông tin tiếp theo về sự việc này.

Nguyên An