1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kịch bản cho nền kinh tế ra sao hậu dịch bệnh Covid-19?

(Dân trí) - Theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế...

Kịch bản cho nền kinh tế ra sao hậu dịch bệnh Covid-19? - 1

Người bán hàng ngủ gật vì vắng khách do tác động dịch Covid - 19.

Không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế

Khi dịch Covid - 19 diễn ra trong một thời gian ngắn, chẳng hạn hai hoặc ba tháng, một phần của nền kinh tế hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, nền kinh tế được nhiều chuyên gia nhận định có khả năng rơi vào suy thoái. Khi những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công.

Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cho cầu trong nền kinh tế bị sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết, sẽ có nhiều kịch bản xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam hậu dịch bệnh Covid-19.

Mức độ tác động tới Việt Nam như thế nào, khôi phục hay suy thoái sẽ phụ thuộc vào thời gian kết thúc dịch bệnh cũng như tác động của dịch bệnh đối với các nền kinh tế toàn cầu.

“Nếu may mắn, dịch bệnh kết thúc sớm trong tháng tới tại Việt Nam và được khống chế lây lan trong phạm vi toàn cầu, đa phần các hoạt động kinh tế sẽ vận hành bình thường trở lại. Những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước đây sẽ hồi phục năng lực sản xuất”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định.

Thậm chí vị chuyên gia cho rằng, cầu trong những ngành này sau thời gian bị dồn nén sẽ bung mạnh hơn so với bình thường, khiến cho các ngành nghề đó tăng trưởng cao hơn, đủ bù đắp cho những thiệt hại trong thời gian dịch bệnh.

“Tất nhiên, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh. Nhưng chúng ta cần phải coi đó như là một loại rủi ro mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh cũng đều phải sẵn sàng gánh chịu.

Chính phủ về cơ bản không cần bất cứ hỗ trợ tài khóa hay tín dụng nào cho những doanh nghiệp này. Chính sách đúng đắn nhất của Chính phủ sau khi dịch bệnh kết thúc là đẩy mạnh truyền thông để mang lại niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Đinh Tuấn Minh nêu giải pháp.

Ở một kịch bản khác khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc cùng một số các quốc gia đang có giao thương lớn với Việt Nam, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất. Đây là những công việc Chính phủ có thể cần làm ngay từ bây giờ.

Với kịch bản dịch bệnh kéo dài hơn như hết quý II hoặc quý III/2020, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng, Chính phủ có thể áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế hoặc cho phép các tỉnh, thành sử dụng quỹ dự trữ tài chính địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng.

“Đây là chính sách Chính phủ có thể cân nhắc để bảo tồn được năng lực sản xuất tại những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực”, ông Đinh Tuấn Minh cho hay.

Ở kịch bản có thể nói tệ nhất, trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng.

Giải pháp này theo ông Đinh Tuấn Minh, không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại. Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh vừa kết thúc.

Nhìn chung theo ông Minh, với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế.

Theo vị này, trong những năm vừa qua, nền kinh tế của Việt Nam hồi phục và duy trì mức tăng trưởng vững chắc được một phần là nhờ Chính phủ kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát dưới 4%. Sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cần nhất là mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bất cứ sự biến động mạnh nào về giá cả đều khiến cho người dân giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.

Gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề

Kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến trong bối cảnh dịch Covid - 19 giáng một đòn đau với nền kinh tế.

Nói với Dân trí, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cũng cho rằng thời điểm này, gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề.

Không đủ để bao trùm lên các phương diện liên quan của dịch bệnh. Nói khác đi, dịch bệnh không đơn giản chỉ là chuyện mà tài khóa, tiền tệ có thể giải quyết được.

“Nền kinh tế chúng ta hiện không phải thiếu tiền để cần bơm. Các dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa của chúng ta hiện nay còn rất lớn.

Chẳng hạn như chúng ta thấy dư địa tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 vẫn còn rất lớn, hệ thống ngân hàng không phải đang thiếu tiền, không phải nhà đầu tư, doanh nghiệp người dân không thể tiếp cận dòng tiền để đầu tư”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Tương tự đối với chính sách tài khóa, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, việc giảm thuế có thể giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân song người dân không phải giảm tiêu dùng tạm thời vì thu nhập giảm mà do lo sợ dịch bệnh nên họ giảm nhu cầu đi lại và chi tiêu trong ngắn hạn.

Nói khác đi, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân bị suy giảm không phải do vấn đề tiền bạc mà là do lo ngại dịch bệnh khiến cho nhu cầu bị co lại tạm thời.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, Bộ Tài chính cũng cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như miễn, giảm, giãn thuế cho người dân doanh nghiệp. 

Điều quan trọng tại thời điểm hiện tại, theo ông Tuấn, vẫn là câu chuyện người dân cần có tâm lý tích cực với triển vọng chống lại dịch bệnh, còn doanh nghiệp cần có tâm lý tích cực đối với triển vọng kinh tế.

"Với ý nghĩa đó, những cải cách kinh tế, thể chế, môi trường đầu tư… hơn lúc nào hết cần được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đón đầu cơ hội ngay khi dịch bệnh vừa qua đi", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh