1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khủng hoảng năng lượng đe dọa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai?

(Dân trí) - Theo nhận định của tờ Financial Times, Việt Nam đang làm mọi cách để chống lại một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra, với nguy cơ gây mất điện trong vòng hai năm, làm cản trở sự phát triển trong tương lai của một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Á.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai? - 1
Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào than đá, dầu nhiên liệu và thủy điện để tạo ra điện năng. Tuy nhiên, một số dự án như vậy đã bị trì hoãn trong những năm gần đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu điện có thể sẽ xảy ra ngay sau năm 2021 và lệnh cho các ngành liên quan đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ.

Theo tờ Financial Times, trong tương lai, nền kinh tế của Việt Nam đang có nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào việc sản xuất sử dụng năng lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh, Việt Nam đang tận dụng cơ hội để gia tăng sản xuất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng ở hai mặt trận cùng một lúc: một bên là sự thiếu hụt năng lượng sản xuất, còn một bên là việc Trung Quốc đã và đang gây áp lực mạnh mẽ đối với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trên biển Đông.

Ông Andrew Harwood, Giám đốc nghiên cứu của nhóm dầu khí  tại Wood Mackenzie ở Singapore cho biết, nguồn cung cấp tiềm năng từ dự trữ dầu khí trong nước của Việt Nam đã gặp phải nhiều thách thức và trì trệ. Điều mà mọi người quan tâm đó là “Việt Nam sẽ đáp ứng những nhu cầu về năng lượng trong tương lai như thế nào?”

Cho đến nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than đá, nhiên liệu dầu và thủy điện để tạo ra điện năng. Tuy nhiên, một số dự án như vậy đã bị trì hoãn trong những năm gần đây. Vào năm 2016, Hà Nội đã phải từ bỏ một chương trình năng lượng hạt nhân.

Các quan chức chính phủ và các nhà phân tích ngành công nghiệp cho biết, hiện nay, Việt Nam hiện đang theo đuổi năng lượng mặt trời, nghiên cứu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng quy mô lớn và xem xét nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.

Đầu tháng này, một trang trại năng lượng mặt trời trị giá 391 triệu USD, lớn nhất Đông Nam Á, đã bắt đầu đi vào hoạt động tại Tây Ninh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hồi tháng trước rằng hơn 4.000 hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà trong ba tháng qua với tổng công suất 200MW. Và 300MW khác là do được thêm vào cuối năm 2019.

Ông Gavin Smith, Giám đốc của Dragon Capital tại TPHCM cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2019 là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đã tiến hành đa dạng hóa sản xuất điện, với sự nhấn mạnh vào việc sử nguồn năng lượng tái tạo như là một giải pháp thông minh.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Vẫn còn phải theo dõi xem sự tăng trưởng nhanh chóng của việc sử dụng năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 liệu có đủ để chống lại nguy cơ cắt điện trong 3 năm tới hay không”.

Không có cơ quan đại diện chính phủ nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, một quan chức đã xác nhận rằng sẽ có một số rủi ro về tình trạng thiếu điện trong những tình huống bất ngờ, rất có thể là khi các hồ chứa nước, nơi cung cấp năng lượng cho các dự án thủy hiện sắp cạn kiệt.

Hà Nội vẫn đang tiếp tục sửa chữa về mặt kỹ thuật để khắc phục lỗ hổng về điện năng, bao gồm cả việc nhập khẩu thêm điện từ Lào. Các nhà chức trách cũng đã thảo luận về khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Các nhà chức trách và công ty của Mỹ đang thúc đẩy khí hoá lỏng LNG như là một giải pháp cho nhu cầu về điện năng của Việt Nam.

LNG là sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng, được vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, khí hóa lỏng sẽ không phải là một phương án đối phó đủ nhanh để chống lại khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra, bởi Việt Nam cần phải xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nguồn tài nguyên này.

Khả năng khai thác khí đốt ngoài khơi của Việt Nam hiện cũng đang bị đặt ra nghi vấn. Đầu tháng này, đã có tin đồn rằng công ty năng lượng ExxonMobil sẽ rút khỏi Blue Whale - dự án khí đốt ngoài khơi lớn nhất Việt Nam.

Thùy Dung

Theo Financial Times