1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Không phải công bộc nhà nước, sếp doanh nghiệp tư nhân cũng phải kê khai tài sản?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho hay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước cũng quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhưng cho đến nay chưa có pháp luật của nước nào quy định người quản lý doanh nghiệp tư phải kê khai tài sản và bị xử lý tài sản, nếu kê khai không trung thực.

Đại biểu Quốc hội tại Nghị trường. (Ảnh : Việt Hưng).
Đại biểu Quốc hội tại Nghị trường. (Ảnh : Việt Hưng).

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tại nghị trường Quốc hội ngày 13/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ đồng tình với việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước.

"Thực tế, khu vực ngoài nhà nước nhưng những việc làm đó lại sử dụng vốn của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng bị thanh tra và kiểm toán. Tất nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tránh lạm dụng về thanh tra, kiểm toán thì cũng có phạm vi quy định nhất định", ông Phương nói.

Sếp doanh nghiệp tư cũng phải kê khai tài sản như công chức

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, qua theo dõi các vụ án thời gian qua cho thấy tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước, các hiện tượng sân sau, gửi giá, lại quả đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

"Đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Bước đầu chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội", bà Thuỷ nói.

Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, đi vào các quy định cụ thể của dự thảo cho thấy còn có những quy định chưa khả thi, có những quy định sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Với cách quy định không chặt chẽ như dự thảo, không chỉ ra được các nghĩa vụ cụ thể mà doanh nghiệp phải thực hiện thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhũng nhiễu doanh nghiệp, điều mà Chính phủ đang phải hàng ngày, hàng giờ tháo bỏ cho doanh nghiệp hiện nay", bà Thuỷ nêu.

Bên cạnh đó, về kê khai tài sản, Dự thảo quy định người quản lý doanh nghiệp kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản như áp dụng đối với công chức.

"Đây là hai diện chủ thể hoàn toàn khác nhau. Một bên là công chức, những người được giao sử dụng quyền lực công và quản lý nguồn lực công với một bên là các doanh nhân, các nhà kinh doanh trong khu vực tư lại đang được Dự thảo ứng xử như nhau, đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình tài sản. Cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là tác động đến chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp", đại biểu nhấn mạnh.

Mặc khác, theo đại biểu, theo dự thảo sẽ có 1.800 công ty đại chúng và 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó sẽ có rất nhiều công ty đại chúng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, 57 ngân hàng và chi nhánh là 100% vốn của nước ngoài.

Vậy, vấn đề đặt ra là khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kê khai không trung thực thì liệu có phải ra nước ngoài để xác minh tài sản của họ hay không? Kinh phí ở đâu để chi trả cho việc này hay hạch toán vào kinh phí của doanh nghiệp. Việc xác minh tài sản của vợ, con họ tại nước ngoài liệu có được pháp luật quốc gia đó cho phép hay không? Nếu doanh nghiệp không ra nước ngoài để xác minh tài sản thì trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật sẽ như thế nào đều chưa được dự thảo làm rõ.

"Người quản lý doanh nghiệp tư nhân không phải là công chức, công bộc trong bộ máy nhà nước. Họ là những nhà kinh doanh, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, không có các hành vi phạm tội, nguồn vốn của các cổ đông, của người gửi tiền đang được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ vì kê khai tài sản không đầy đủ hoặc không giải trình được đầy đủ tài sản mà bị xử lý 45% như công chức là không phù hợp và không phải là cách làm của các nước trên thế giới", bà nói thêm.

Vị đại biểu cũng cho rằng, về kinh nghiệm quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước cũng quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhưng cho đến nay chưa có pháp luật của nước nào quy định người quản lý doanh nghiệp tư phải kê khai tài sản và bị xử lý tài sản, nếu kê khai không trung thực.

Công chưa chống được, lấy sức đâu để làm?

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng đối với công tác thanh tra, kiểm tra khu vực ngoài nhà nước. Theo tổng hợp, đánh giá của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp than phiền nhiều về công tác thanh tra, kiểm tra, còn có nhiều chồng chéo và gây phiền hà. Có doanh nghiệp 1 năm tiếp đến 6-7 đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có doanh nghiệp phải tiếp tới 10 đoàn thanh tra, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị theo hướng thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước và cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục để tiến hành thanh tra trong lĩnh vực này để tránh lạm dụng, gây khó khăn cho tổ chức và doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn cho rằng, hiện nay trong khu vực công nhà nước không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm. Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối.

"Từ bất lực một đến bất lực hai dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri. Tôi đề nghị cân nhắc chỗ này. Chúng ta tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nói mở rộng phạm vi hoạt động tư trong dự thảo luật này thì không đúng bởi ở đây bước đầu mới chỉ tiến tới mở rộng phạm vi khu vực tư, giới hạn ở công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, tức là những đơn vị này đang huy động vốn của dân nên cần có sự kiểm soát, không phải là chúng ta mở rộng khu vực tư.

"Nếu chúng ta nói không khéo thì doanh nghiệp và nhân dân, cử tri cảm thấy hình như mình đang đánh lạc hướng, trong khi khu vực công là khu vực chúng ta cần phòng, chống tham nhũng một cách triệt để và hữu hiệu", ông Ngân nói.

Phương Dung

Không phải công bộc nhà nước, sếp doanh nghiệp tư nhân cũng phải kê khai tài sản? - 2