1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TPHCM:

Không dễ xoá bỏ toà nhà "ba cây nhang"

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay, không có quy định cấp phép cho việc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, với trường hợp muốn tháo dỡ công trình để xây dựng lại thì chủ đầu tư phải trình phương án tháo dỡ và Thuận Kiều Plaza cũng không ngoại lệ.

 

Không dễ xoá bỏ toà nhà "ba cây nhang" - 1

Tòa tháp Thuận Kiều Plaza nhìn từ xa

Tòa nhà “ba cây nhang” đổi chủ

Thuận Kiều Plaza với 3 tòa tháp 33 tầng sừng sững giữa khu vực sầm uất nhất quận 5 là một biểu tượng không thể quên đối với người dân TPHCM. Tòa nhà nhà này được khởi công xây dựng năm 1994 và hoàn thành 5 năm sau đó. Chủ đầu tư khu phức hợp này là liên doanh giữa Công ty Kings Harmony Int’LTD (Hồng Kông) và Tổng công ty địa ốc Sài Gòn.

Nằm ngay vị trí đắc địa, ngay trung tâm của quận 5 với lượng người Hoa ở đông đúc, khi hoàn thành dự án này được kỳ vọng sẽ là nơi an cư và kinh doanh sầm uất của người Hoa như khu Chợ Lớn cạnh đó.

Nhiều năm trước, Thuận Kiều Plaza là biểu tượng đầy kiêu hãnh, là trung tâm thương mại mà bất kỳ ai đến TPHCM cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng. Giá một căn hộ khi đó được chào bán hơn 40.000 USD/căn.

Thế nhưng, gần 20 năm qua, 600 căn hộ, khu phức hợp mua sắm, giải trí tại Thuận Kiều Plaza như “ngủ yên” khi các hoạt động thương mại dần thưa thớt rồi ngưng trệ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “chết dần, chết mòn” của Thuận Kiều Plaza được cho là bị “ma ám”, phong thủy không tốt… nên kinh doanh ế ẩm và ở thì gặp xui xẻo.

Tuy nhiên, tòa nhà được ví như “ba cây nhang” này hiện đã có chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần đầu tư An Đông trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Được biết, Công ty An Đông “dạm ngõ” mua lại Thuận Kiều Plaza từ năm 2009 với số tiền không nhỏ.

Biểu tượng thương mại của Sài Gòn vắng bóng người vì... phong thủy không tốt?!
Biểu tượng thương mại của Sài Gòn vắng bóng người vì... phong thủy không tốt?!

Trong những ngày qua, Thuận Kiều Plaza nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ ở sự “huyền bí” của tòa nhà này, mà đó là phương án giữ lại hay đập bỏ để xây mới khi An Đông “tiếp quản” và trở thành chủ sở hữu mới.

Phương án tháo dỡ, đập bỏ một tòa nhà đồ sộ như thế này chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Các kỹ sư xây dựng cho rằng, trên thế giới, việc đập bỏ tòa nhà lớn thường dùng phương pháp đặt bom, mìn để đánh sập. Tuy nhiên, Thuận Kiều Plaza lại nằm ngay khu kinh doanh buôn bán sầm uất của quận 5 nên việc đánh bom, mìn cho sập hoàn toàn trong tích tắt như thế là không ổn.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư An Đông cho biết, do đưa vào khai thác gần 20 năm nên tòa nhà này có một số hạng mục đã xuống cấp, hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tế. Vì thế, chủ mới chỉ sửa chữa, nâng cấp toàn bộ tòa nhà này chứ không phá dỡ như đồn đoán.

Phải trình phương án tháo dỡ

“Số phận” của Thuận Kiều Plaza trở thành chủ đề “nóng” tại buổi họp báo định kỳ quý IV/2015 do Sở Xây dựng TPHCM chủ trì diễn ra vào chiều 29/10.

Trước câu hỏi của phóng viên cho rằng, dự án này xây dựng cách đây 20 năm có giấy phép không? Nếu chủ đầu tư mới tháo dỡ Thuận Kiều Plaza thì có phải xin phép, thông báo cho Sở Xây dựng không?...

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, tính đến 13h30 ngày 29/10, Sở chưa nhận được thông tin nào về Thuận Kiều Plaza cũng như phía chủ đầu tư.

Chưa rõ sẽ phá dỡ hay tu sửa tòa nhà này (Ảnh: Đăng Khải)
Chưa rõ sẽ phá dỡ hay tu sửa tòa nhà này (Ảnh: Đăng Khải)

Ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dụng cũng thông tin thêm rằng, có 3 trường hợp tháo dỡ gồm: tháo dỡ giải phóng mặt bằng, tháo dỡ thi công công trình mới, tháo dỡ vi phạm. Hiện không có quy định cấp phép tháo dỡ công trình.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi phá dỡ, chủ thể chịu trách nhiệm chính là chủ đầu tư. Khi xây dựng thì phải xin giấy phép. Khi tháo dỡ thì phải có phương án tháo dỡ. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải thuê đơn vị đủ năng lực thiết kế công trình đó thì mới đủ khả năng lập phương án tháo dỡ. Phương án tháo dỡ không chỉ chịu trách nhiệm cho công trình tháo dỡ mà cả đánh giá an toàn cho công trình bên cạnh.

“Khi phá dỡ thì phải gửi thông báo bằng văn bản đến phường và thanh tra xây dựng vào kiểm tra. Nếu phương án tháo dỡ hợp lý và đơn vị có đủ năng lực tháo dỡ thì chủ đầu tư mới được phép tháo dỡ”, ông Bình nói.

Công Quang

 

Không dễ xoá bỏ toà nhà "ba cây nhang" - 4