1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Không có cơ sở bảo hành, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép nhập ô tô

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa đưa ra Dự thảo Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô lấy ý kiến các bên liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Theo Bộ Công Thương, Bộ này sẽ tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô nếu DN không triệu hồi, thu hồi xe nhập khẩu khi bị lỗi. DN không duy trì các điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng quy định tại Nghị định này trong quá trình kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Phải có bảo hành, bảo dưỡng mới được nhập ô tô

Quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là: Chỉ thương nhân là doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Nhập khẩu xe ô tô đang bị siết lại (ảnh minh hoạ)
Nhập khẩu xe ô tô đang bị siết lại (ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, DN phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định mới được phép nhập khẩu và được cấp Giấy phép nhập khẩu ô tô.

Về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương quy định, cơ sở này phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của DN.

DN có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu. Mọi chi phí liên quan đến triệu hồi ô tô bị lỗi, khắc phục lỗi kỹ thuật và thu hồi, xử lý ô tô thải bỏ do DN sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thực hiện và chi trả.

Đặc biệt từ ngày 01/7/2020, DN nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

Sẽ cấp Giấy phép nhập khẩu ô tô trong 14 ngày

Theo nội dung tại Dự thảo Nghị định trên, Bộ Công Thương cam kết: Kể từ ngày nhận hồ sơ, trong 7 ngày làm việc, Bộ sẽ thông báo kiểm tra cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của DN nhập khẩu xe nguyên chiếc theo quy định. Nếu doanh nghiệp (DN) đáp ứng được điều kiện, sau 7 ngày làm việc tiếp theo Bộ Công Thương sẽ cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho DN.

Như vậy, tối đa 14 ngày, kể từ thời điểm Bộ Công Thương nhận được hồ sơ đăng ký kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định. Bộ Công Thương sẽ cấp phép cho DN.

Bộ này cho biết: Trong trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo Bộ Công Thương, về xe nhập khẩu khẩu hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ô tô nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, xe ô tô nhập khẩu khi phát sinh các lỗi kỹ thuật tương tự được triệu hồi và sửa chữa miễn phí.

Ví dụ như một số xe ô tô nhập khẩu phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn của người sử dụng và cộng đồng. Tuy nhiên hiện không có DN nhập khẩu nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng.

Nguyễn Tuyền