1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Không có chuyện hạ cánh an toàn, kể cả là lãnh đạo về hưu nhiều năm!”

(Dân trí) - Không có vùng cấm trong Đảng. Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”! – ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định.

Xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với ông Trịnh Xuân Thanh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), liên hệ đến những trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước gây ra thua lỗ nhưng sau đó vẫn được cất nhắc làm cán bộ quản lý Nhà nước, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương:

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: LĐ)
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: LĐ)

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh “rất nghiêm trọng”

- Thưa ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa ra thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông có bình luận gì về vụ việc này?

Đây là một sự việc rất nghiêm trọng trong công tác phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, giám sát, đào tạo cán bộ. Tôi cho rằng, đây cũng là bài học để các tổ chức rút kinh nghiệm về việc sử dụng cán bộ.

- Từng có thời gian lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và để lại di sản là khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng tại doanh nghiệp này (giai đoạn 2011-2013), nhưng ông Thanh vẫn được cất nhắc lên những vị trí cao hơn ở Bộ Công Thương rồi tỉnh Hậu Giang, thậm chí được giới thiệu để bầu và đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những khoản lỗ trên?

Việc này chúng ta nên chờ vài hôm nữa khi ngành dầu khí xác định xem trách nhiệm cụ thể của từng người một đến đâu. Nhưng như UBKTTƯ đã kết luận, là người đứng đầu thì ông Trịnh Xuân Thanh phải có trách nhiệm.

Tất cả những người liên quan đến quá trình sử dụng, đề bạt, cất nhắc, luân chuyển ông Thanh cũng phải kiểm điểm để làm rõ như yêu cầu của UBKTTƯ.

Theo như tôi được biết, UBKTTƯ đã lập một đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với tổ chức Đảng của Bộ Công Thương, Tổ chức Đảng của Tập đoàn Dầu khí, Tổ chức Đảng của Tỉnh ủy Hậu Giang… Song trách nhiệm đến đâu, cụ thể như thế nào vẫn còn chờ kết luận của đoàn kiểm tra.

Ở đây có 2 vấn đề mà chúng ta quan tâm là trách nhiệm của tổ chức Đảng ở đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu, sau đó là những cá nhân khác có liên quan.

Tôi hoan nghênh việc UBKTTƯ đã công khai thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và những yêu cầu được Uỷ ban đưa ra là cần thiết và đúng nguyên tắc.

Không có “vùng cấm” trong Đảng

UBKTTƯ đã ra quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015. Việc hồi tố trách nhiệm đối với các nguyên lãnh đạo về hưu đã có tiền lệ chưa, thưa ông?

-Tôi xin nói luôn để nhà báo yên tâm là trong lịch sử của Đảng, đã có nhiều trường hợp như thế. Tôi không tiện kể tên họ những người ấy ra. Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”!

Và theo nguồn thông tin tôi nắm được thì lần này chỉ đạo của Trung ương, khi xem xét khuyết điểm của cán bộ thì không hề có bất cứ vùng cấm nào, bất luận người đó đương chức hay đã về hưu, ngay cả đương chức thì dù ở bất cứ chức vụ nào cũng phải bị xem xét.

- Vậy việc xử lý trách nhiệm sẽ tiến hành thế nào?

Phải đối chiếu các quy định của Đảng, quy định của pháp luật cũng như quy định của chính quyền trong xử phạt hành chính.

Thông thường, khi xử lý cán bộ là Đảng viên, cấp ủy viên, thì trước tiên Đảng và cấp chính quyền phải xem xét. Nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì áp dụng hình thức kỷ luật theo điều lệ Đảng, sau đó là luật công chức, viên chức. Còn nếu như đã vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan điều tra.

Chúng ta đang sống trong một Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quy định đã có, vấn đề là các cơ quan đó có làm đúng theo những điều trong quy định hay không.

Nhiều trường hợp đã từng có trong lịch sử của Đảng, nghĩa là Đảng đã thực hiện được việc đó. Hoàn toàn không có vùng cấm trong Đảng, sai phạm đến đâu xử lý đến đó: Sai phạm về mặt tổ chức, sinh hoạt Đảng thì phải xử lý, chịu hình phạt kỷ luật - cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Nếu người đó có giữ chức vụ nào đó trong chính quyền thì phải cách chức, đuổi ra khỏi cơ quan Nhà nước. Nặng hơn nữa nếu vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan pháp luật xem xét.

Riêng với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta cần đợi kết quả cuối cùng khi mà các cơ quan chức năng đã hoàn tất khâu kiểm tra.

Những điều tôi nói ở đây không phải theo ý muốn của tôi mà theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Phải bài trừ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển

Ông đánh giá như thế nào về việc ông Trịnh Xuân Thanh tự đề nghị để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức năng lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang dù rằng bản thân không đủ tiêu chuẩn, theo như kết luận của UBKTTƯ?

-Trên thực tế, muốn làm việc gì, đi đâu thì bản thân cán bộ đó có thể chủ động đề nghị. Một người nếu muốn gánh vác những việc nặng nề hơn thì đó là điều đáng hoan nghênh, chỉ có điều, với những người không đủ phẩm chất, năng lực mà cứ muốn “leo cao, chui sâu” thì không được.

Tôi thấy rằng, những người có tính xung phong, thích nhận việc nặng nhọc không phải là nhiều, cho nên nếu có những người tự đứng ra đảm đương những việc khó khăn thì nên khuyến khích. Còn những kẻ chỉ mon men tìm mọi cách nhằm lợi dụng chức quyền thu vén lợi ích cá nhân thì cần loại bỏ.

Bây giờ xã hội chúng ta đang tồn tại nạn “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy cả huy chương, thành tích… Có những con người giả dối làm những chuyện bịp bợm và có cả những kẻ kinh doanh chức quyền, bằng cấp. Những điều xấu xa đó chúng ta phải mạnh mẽ lên án, bài trừ.

Công tác tổ chức cán bộ là một công tác nhạy cảm. Theo ông, làm sao để công tác này được trong sạch?

-Yêu cầu quan trọng đối với công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ là phải trong sạch. Những cơ quan làm tổ chức nhân sự phải là nơi trong sáng.

Đảng và Nhà nước đã có đủ các quy định từ tuyển chọn, cất nhắc đến đề bạt, bổ nhiệm…, tất cả đều phải qua quy trình chặt chẽ. Quy định có thừa nhưng anh có thực hiện nghiêm chỉnh hay không mà thôi.

Vấn đề đặt ra là vì sao vẫn còn tình trạng “buông lỏng”? Có nhiều nguyên nhân: thứ nhất là do hời hợt, quan liêu; thứ hai là nể nang; thứ ba là do bị đồng tiền mua chuộc, v.v…

Trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh chúng ta hãy chờ xem các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm, tạo điều kiện cho ông Thanh sẽ tự kiểm điểm và bị kiểm điểm như thế nào. Nhưng tôi mong rằng các cơ quan tổ chức Đảng được yêu cầu kiểm điểm nên thành khẩn, chân thành, nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm và tiến bộ. Còn những cơ quan, những cá nhân tham gia vào công tác rà soát, kiểm điểm thì phải hết sức khách quan, trung thực, nghiêm túc; phân tích rõ đúng - sai, phải - trái một cách phân minh; không nể nang hay bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào.

Bổ nhiệm con cháu, người quen là rất nguy hiểm

Vừa rồi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu phải dẹp nạn bổ nhiệm cán bộ “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông điều đó có dễ dàng?

-Xu hướng vì vụ lợi trong công tác cán bộ là có. Có người nói “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ”, nhưng cũng có người nói “thứ nhất tiền tệ”.

Chúng ta không câu nệ về ngạn ngữ đó, nhưng phải lên án, phải vạch rõ để mọi người thấy rằng, đưa cái cung cách ấy vào để đào tạo con cháu con mình, đào tạo lớp cán bộ trẻ là rất nguy hiểm. Nguy hiểm trước hết là cho bản thân những gia đình, những cán bộ làm việc đó.

Nâng đỡ như vậy làm tổn hại cho chính con cháu họ. Những con người có được chức quyền chỉ nhờ vào đồng tiền, quan hệ mà không phải vì đức tài thì trước sau họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ, họ sẽ tự xấu hổ. Chức càng cao mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tổn hại càng lớn.

Bản thân những người đó sẽ bị xã hội khinh rẻ, nhưng nghiêm trọng nhất là gây tổn hại cho quốc gia. Cho nên, chọn cán bộ mà theo kiểu chọn con cái hoặc bị mua chuộc là không thể chấp nhận được!

Tôi đề nghị báo chí lên án thật mạnh mẽ. Từ đó cảnh báo những ông bố, bà mẹ rằng, “đào tạo” con cái theo lối đó là hại con chứ không phải thương con đâu! Bao nhiêu tỷ phú trên thế giới có tài sản kếch xù nhưng thậm chí họ còn tuyên bố sẽ không để tài sản lại cho con.

Đảng không bao che cho những kẻ xấu xa. Đây là cơ hội để những người sai lầm, những đồng chí chưa bị lộ nên thành khẩn, không tiếp tục đi sâu vào vực thẳm của sự ô uế và trở lại với con đường sáng. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân sẽ trở nên gắn bó hơn và tin cậy lẫn nhau.

-Xin chân thành cảm ơn ông!

Bích Diệp thực hiện