1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Không chỉ rà soát mà còn sửa Luật Đầu tư nếu có bất cập

(Dân trí) - “Chính phủ đang yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng một bộ luật nhằm điều chỉnh các điều khoản không còn phù hợp trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Phương châm là những gì không phù hợp với thực tiễn, không có lợi cho DN ngay cả tại Luật Đầu tư mới cũng phải sửa đổi, thay thế trên tinh thần hoàn thiện nhất, hấp dẫn nhất và cạnh tranh nhất”.

Khẳng định trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được đưa ra tại Hội nghị “Đối thoại Chinh sách Đầu tư 2016” vừa được diễn ra tại Hà Nội.

Không chỉ rà soát mà còn sửa Luật Đầu tư nếu có bất cập - 1

Không nâng cấp cơ học Thông tư lên Nghị định!?

Theo ông Dũng, hiện dư luận đang tập trung mọi chú ý vào việc Chính phủ yêu cầu các bộ chuyển các Thông tư (trong đó có các điều kiện kinh doanh) thành các Nghị định, nhằm Luật hóa các thể chế, vừa quản lý tập trung không cho các Bộ tự ý ra Thông tư trái thẩm quyền, trái Nghị định Chính phủ, vừa quản lý chính sách cho DN. Hạn chót ngày 1/7/2016, các bộ phải xong, nếu không thì phải bãi bỏ, tất cả không được lùi sau 1/7. Dù Chính phủ yêu cầu không để khoảng trống pháp luật nhưng cũng không nâng cấp cơ học từ Thông tư lên Nghị định một cách vô nghĩa. Trong quá trình nâng cấp, sửa đổi phải theo tinh thần: Cái gì không còn phù hợp thì phải loại bỏ đi, những gì không được rõ ràng phải được cụ thể rõ, minh bạch.

“Hiện có nhiều người quan ngại về chất lượng khi nâng cấp Thông tư lên Nghị định chỉ trong thời gian ngắn, tôi hoàn toàn hiểu. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cùng với "người gác cổng" là Bộ Tư Pháp, cùng VCCI, Văn phòng Chính phủ, phối hợp rà soát để cho ra đời những sản phẩm" tốt nhất" để đi vào cuộc sống. Còn sau khi được ban hành, trong đời sống vận động của kinh tế, nếu phát hiện những bất cập thì các bộ ngành cũng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi tiếp”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định: Ngoài tiếp tục rà soát các Thông tư lên Nghị định, thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại Luật Đầu tư mới ra đời năm 2014 để sửa đổi, bổ sung vì lợi ích doanh nghiệp (DN).

“Hiện Chính phủ đang yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng một bộ luật nhằm điều chỉnh các điều khoản không còn phù hợp trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Phương châm là những điều khoản không phù hợp với thực tiễn, không có lợi cho DN ngay cả tại Luật Đầu tư mới được ban hành năm 2014 cũng phải sửa đổi, thay thế trên tinh thần hoàn thiện nhất, hấp dẫn nhất và cạnh tranh nhất. Quyết tâm của Chính phủ là: Bộ phải ban hành dự thảo để trình và thông qua tại 1 kỳ họp của Quốc hội tới đây”, ông Dũng nói.

“Tinh thần là các Nghị định ra đời sẽ có hướng tốt hơn. Nhưng Luật tốt chưa đủ mà cần phải có con người tốt, bộ máy tốt: "Khi luật tốt mà con người của chúng ta không tốt, cụ thể là bộ máy của chúng ta không theo kịp thì mất ý nghĩa", ông Dũng quan ngại.

Vẫn còn Nghị định chưa ổn lắm, cần phải sửa

Tại Hội nghị có nhiều lãnh đạo sở, ngành kế hoạch và đầu tư địa phương, cùng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định: Lâu nay quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ với DN, chính quyền với DN còn có khoảng cách, đây là rào cản lớn nhất cho thay đổi về tư duy phục vụ DN.

“Nhiều nơi, cơ quan Nhà nước hay coi DN là người làm ăn chưa tốt hoặc người có điều kiện về mặt tài chính, từ đó gây ra các rào cản, khoảng cách để cản trở DN, hay nhũng nhiễu, hạch sách, gây khó dễ cho DN để vụ lợi. Trước chính quyền quá nặng về tư duy "quản lý" thì nay phải chuyển sang tư duy "phục vụ". Trước cái gì cũng tiền kiểm, thì nay phải hậu kiểm theo phương châm những gì pháp luật không cấm thì DN được tự do kinh doanh”, ông Dũng thừa nhận thực tế.

Cũng bàn về vấn đề sửa luật hướng đến xây dựng Nhà nước phụng sự nhân dân, phục vụ DN, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Chưa bao giờ có “phong trào làm Nghị định” như bây giờ, cho nên lo lắng cũng đúng. Tôi đã xem qua một vài Nghị định, vẫn còn có một chỗ chưa ổn lắm, cần phải sửa như nhầm lẫn khái niệm "điều kiện kinh doanh" với "các quy chuẩn, tiêu chuẩn" trong đầu tư".

Ông Trung cho rằng: "Luật" khi ra đời có hai chiều hướng, đúng đắn với thực tiễn sẽ là “niềm hạnh phúc” của DN, còn không nó sẽ là “nỗi đau” của DN. Do đó hơn ai hết, DN, Nhà đầu tư là những người chịu tác động cần lên tiếng để Bộ tìm ra và sửa những bất cập trong chính sách.

"Trong thời gian qua, không thể phủ nhận Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, pháp luật có nhiều cụm từ: đổi mới, sáng tạo.... Tuy nhiên, khái niệm này chưa đi vào cuộc sống, xa vời với người dân. Luật nếu đúng với thực tế, DN, nhà đầu tư sẽ được hưởng "niềm hạnh phúc của người trong cuộc" nhưng khi không đi vào cuộc sống, nó sẽ là "nỗi đau". Vì vậy, Bộ mong muốn, DN, nhà đầu tư cung cấp thông tin, để đưa ra lựa chọn hoàn thiện chính sách hơn", ông Trung nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền