1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Khối doanh nghiệp quân đội “gặt” 46.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014

(Dân trí) - Trong đó, riêng lợi nhuận trươc thuế của Viettel đã chiếm tỷ trọng 91,6 %. Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu các doanh nghiệp quân đội trong năm 2015 cần thực hiện tốt việc kiểm soát chi tiêu trong doanh nghiệp, khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật.

Khối doanh nghiệp quân đội “gặt” 46.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014
Trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp quân đội góp mặt với hàng loạt tên tuổi như Viettel, ngân hàng MB, Tân Cảng Sài Gòn...

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Ngày 26/1/2015, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị doanh nghiệp quân đội năm 2014. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2014, các doanh nghiệp quân đội vẫn duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc dân. 

Cụ thể, doanh thu các doanh nghiệp quân đội năm vừa qua đạt trên 292.000 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2013), lợi nhuận trước thuế trên 46.000 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), nộp ngân sách Nhà nước 41.000 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2013), thu nhập bình quân đạt trên 10,7 triệu đồng/người/ tháng (tăng 4,2% so với năm 2013). 

Trong đó, đứng đầu vẫn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với doanh thu ước đạt trên 196.650 tỷ đồng (vượt 104,5% kế hoạch của năm, tăng 120% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 67,28% doanh thu của các doanh nghiệp quân đội), lợi nhuận trước thuế đạt 42.224 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 91,6 % lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp quân đội).

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn vẫn là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam, chiếm 80% thị phần khai thác cảng biển phía Nam và gần 50% thị phần cảng biển phía Bắc; trong đó, cảng Cát Lái là một trong số 34 cảng biển hàng đầu trên thế giới về khối lượng hàng hoá thông qua cảng. 

Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty 319, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 789, Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC… vẫn giữ được mức tăng trưởng cao trong thi công các công trình… Các doanh nghiệp khối sản xuất, sửa chữa vũ khí, công nghiệp quốc phòng, dệt may quân đội và khối Tổng cục Kỹ thuật phát triển ổn định. 

Các doanh nghiệp cổ phần, nhất là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vẫn phát triển mạnh, là 1 trong 5 ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam với số vốn điều lệ trên 11.000 tỷ đồng. Tiếp đến là 22 doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp quân đội hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều công ty cổ phần đã thực sự khẳng định được vai trò, vị trí trên thị trường.

Trong năm 2014, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo việc tổ chức sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, điều chỉnh cơ cấu, loại hình, quy mô doanh nghiệp để tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời, rà soát, cắt giảm những ngành nghề không liên quan (hoặc ít liên quan) đến ngành nghề kinh doanh chính của từng doanh nghiệp. Đến nay, đã cắt giảm được 154 ngành nghề, cho phép doanh nghiệp được kinh doanh 421 ngành nghề, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển vững chắc.

Yêu cầu khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá, bên cạnh những thuận lợi như kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn thì trong năm 2015, các doanh nghiệp quân đội cũng phải đối mặt với những thách thức khi Việt Nam tham gia cộng đồng ASEAN, nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, trong khi vốn của các doanh nghiệp quân đội còn thấp (nhất là các doanh nghiệp xây dựng và nông nghiệp). 

Để đáp ứng yêu cầu về phát triển, tăng trưởng ngày càng cao và hội nhập sâu rộng với quốc tế, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu các doanh nghiệp quân đội cầ bảo đảm tăng trưởng vững chắc cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, “phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của quân đội lên hàng đầu”; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước; kỷ luật của quân đội. Đồng thời, nâng cao công tác quản trị, quản lý doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nhất là việc rà soát lại ngành nghề, mô hình tổ chức kinh doanh, thoái vốn ở những nơi không hiệu quả, xử lý tồn đọng về tài chính…

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng yêu cầu các doanh nghiệp quân đội cần phải thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin, coi trọng chất lượng sản phẩm, bảo đảm giá cả hợp lý; thực hiện tốt việc kiểm soát chi tiêu trong doanh nghiệp, khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật, phấn đấu đến hết quý I/2015 phải bổ nhiệm xong chức danh kiểm soát viên tại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”