1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khi chủ doanh nghiệp nổi giận với chính quyền

(Dân trí) - Buổi đối thoại giữa các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Bình Phước trở nên căng thẳng hơn khi có quá nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc, thậm chí nổi nóng với những cách hành xử của cơ quan công quyền ở tỉnh này.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) tỉnh Bình Phước lại có mặt đông đủ như sáng ngày  24/5 để “trút” những bức xúc với các cơ quan công quyền và lãnh đạo tỉnh tại buổi Đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Phước do Hội doanh nghiệp trẻ ( HDNT) phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (HHDNNVV) tổ chức.

Theo kế hoạch, nhằm tháo gỡ những khó khăn của DN trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Phước gặp gỡ đối thoại với các DN tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, khác với mọi lần trước, lần này các DN thực sự đã không còn giữ được sự kìm chế khi trình bày những khó khăn vướng mắc với các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh.

Cuộc đối thoại ngày càng nóng với nhiều bức xúc của các doanh nghiệp.

Cuộc đối thoại ngày càng nóng với nhiều bức xúc của các doanh nghiệp.

Hội trường bắt đầu nóng lên bởi bỗng nhiên mất điện và ai cũng muốn có ý kiến trước sau khi ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HHDNT tỉnh Bình Phước giới thiệu khái quát tình hình của các DN trên địa bàn tỉnh.

Bà Vương Thị Lân - Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Vinh “chiếm dụng” cả tiếng đồng hồ để “chất vấn” các cơ quan công quyền tại sao từ khi thành lập đến nay, DN này phải đối mặt với 11 lần tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra mà không rõ nguyên nhân. Bà Lân thừa nhận phải nộp phạt hơn 10 triệu đồng vì chuyện xả thải môi trường nhưng “chuyện thanh tra nhiều như thế thì không ai chịu nổi”.

Theo bà Lân thì DN của bà đủ tiêu chuẩn để được vay vốn sản xuất kinh doanh với tập hồ sơ đủ 13 con dấu nhưng khi mang đến ngân hàng thì đều bị từ chối với lý do khuôn mặt bà trông “rất hãm tài”! Bà Lân buộc phải đi vay vốn ngoài tỉnh với lãi suất 25% và hiện với món nợ khổng lồ lên trên 39 tỷ đồng, DN của bà đang đứng trước nguy cơ phá sản vì chi phí lãi vay quá cao.

Ông Trần Văn Ty - giám đốc Công ty TNHH Mây tre huyện Bù đốp cũng “nổi nóng” với việc mặc dù đã có 4 văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xin thuê đất trong khu công nghiệp từ năm 2005 đến nay nhưng hiện chưa được giải quyết.

Ông Trần Phú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận Tải Thành Công không còn giữ được kìm chế cho rằng “chỉ có Bình Phước” mới có cách hành xử như thế với Công ty của ông. Theo ông Phú, Công ty ông được các cơ quan cho phép xây dựng cây xăng trong bến xe khách với vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, xây dựng xong 95% công trình bỗng nhiên bị Phó giám đốc Sở Giao thông Vận Tải ban hành quyết định ngưng xây dựng mà không rõ nguyên nhân.

Phó chủ tịch Hiệp Hội DN nhỏ và vừa Trần Hữu Loan,Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú lại nhắc khéo các DN là muốn thành lập DN ở Bình Phước thì nên “đi học bơi” kẻo chết đuối bởi có khá nhiều quy định bất thành văn ở đây.

Theo ông Loan, ngày 8/11/2011, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị cho DN của ông được sang nhượng thành quả trên đất của một DN khác nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có câu trả lời được hay không.

Tương tự như ông Loan, Tổng giám đốc Trần Văn Chánh, Công ty BOT cầu đường Đồng Phú than vãn chuyện nhà nước không chịu giải ngân các công trình của ông làm thiệt hại hàng tỷ đồng vì phải trả lãi suất ngân hàng..

Giám đốc Công ty TNHH Vân Sơn, Vũ Văn Định xin UBND tỉnh cho ông được đối chất với công an tỉnh về chuyện thanh tra và thu hồi đất của doanh nghiệp này.

Còn Giám đốc Công ty cây xanh Công Minh lại thẳng thắn nói rằng, ông rất hoang mang với cách hành xử của các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước. Mặc dù đã đầu tư vào một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 5.000 tấn mủ/năm tại Đăng Hà với số tiền khá lớn và nhiều diện tích đất nhưng với cách hành xử hiện nay, ông cũng sẵn sàng rút lui.

Ông Nguyễn Gia Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Gia Thiện cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này sử dụng “luật rừng” để bắt doanh nghiệp của ông phải 2 lần nộp 10% quỹ đất được giao trồng cao su mà không một lời giải thích.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, một doanh nhân từ Tiền Giang lên làm ăn phải đáo tụng đình đến ba lần xung quanh vụ bà bị TAND huyện Bù Gia Mập xử ép vụ kiện thu hoạch 16 ha cao su ở Bù Gia Mập. Và mặc dù thắng kiện nhưng phần thua thiệt vẫn thuộc về bà …

Đã đến giờ Ngọ, mà vẫn còn 27 ý kiến bức xúc của các DN nên cuộc đối thoại phải tạm dừng chờ ý kiến của các ngành và lãnh đạo tỉnh Bình Phước.

Ông Phạm Văn Tòng, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ ghi nhận những bức xúc của DN và hứa sẽ xem xét giải quyết, không đưa ra một phán quyết nào nhằm giảm thiểu chuyện đối đầu giữa DN và các cơ quan chức năng của tỉnh này.

Đ.Dương