1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khánh Hòa “loay hoay” xử lý bán hàng đa cấp trá hình, biến tướng

(Dân trí) - Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định các mặt hàng đa cấp hiện nay “chẳng có dán niêm yết giá, xuất xứ, chất lượng… nên chẳng khác gì hàng lậu”.

Ông Hải bày tỏ bức xúc nói trên trong cuộc họp do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức để bàn xử lý vụ hàng trăm người dân tố cáo Công ty Phúc Gia Bảo 68 (Gia Lai) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ngày 6/4.

Công ty đa cấp bị 38 người tố lừa đảo, chiếm đoạt 60 tỷ đồng

Trước đó, từ khoảng tháng 9/2015, Công ty Phúc Gia Bảo 68 (viết tắt là Công ty PGB) thành lập chi nhánh tại Khánh Hòa để triển khai ký “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với các nhà đầu tư (NĐT) tại Khánh Hòa trong kinh doanh, tiêu dùng và phân chia lợi nhuận trên cơ sở xây dựng hệ thống cà phê nấm linh chi đỏ, kinh doanh nhà hàng, siêu thị, tour du lịch… Theo thỏa thuận, mỗi NĐT phải bỏ ra 36,65 triệu đồng để mua 35 hộp cà phê hoặc 500 thẻ uống cà phê miễn phí với Công ty PGB. Sau khi mua, khách hàng được nhận lợi nhuận lần lượt là 9 triệu, 26 triệu và 60 triệu đồng trong 3 tháng tiếp theo. Ngoài ra, Công ty PGB còn đưa ra hàng loạt ưu đãi như cho NĐT hưởng lợi nhuận 300-400% tổng mức đầu tư sau khi hợp đồng ký kết.

Giới thiệu bán hàng đa cấp ở Khánh Hòa
Giới thiệu bán hàng đa cấp ở Khánh Hòa

Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, đã có hàng ngàn NĐT tham gia. Thế nhưng, khi thực hiện hợp đồng chi trả lợi nhuận một thời gian ngắn, đến tháng 1/2016, Công ty PGB ngưng hoạt động.

Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm này đã nhận được đơn tố cáo của 38 người tố cáo Công ty PGB lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền 60 tỉ đồng thông qua việc ký kết khoảng 1.600 hợp đồng đầu tư. Tuy nhiên, đại diện công an cũng cho rằng đây là vụ việc rắc rối và hiện đang điều tra xem Công ty PGB có dấu hiệu tội phạm hay không. Không chỉ riêng Khánh Hòa, công ty này còn lập nhiều chi nhánh khác ở các tỉnh, hoạt động rất phức tạp.

“Bán hàng đa cấp không đăng ký, không đại diện pháp lý… là lổ hỏng”

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra 10 DN bán hàng đa cấp thời gian qua, chi cục chỉ phát hiện và xử phạt được một trường hợp nhân viên bán hàng của một DN không có chứng chỉ chuyên môn. Ngoài ra, do không có văn phòng hoạt động, không có đại diện hợp pháp nên không kiểm tra được hàng hóa, chủng loại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, từ trước đến nay, Khánh Hòa tiếp nhận 30 hồ sơ của các doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp, nhưng chỉ có 6 hồ sơ đăng ký có địa điểm bán hàng, không có đại diện hợp pháp nên không thể kiểm soát. Sở Công thương Khánh Hòa cũng khẳng định các mặt hàng đa cấp trước khi được phép bán phải đăng ký nhãn mác, giá bán, xuất xứ…

UBND tỉnh Khánh Hòa họp xử lý bán hàng đa cấp trá hình
UBND tỉnh Khánh Hòa họp xử lý bán hàng đa cấp trá hình

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, các mặt hàng đa cấp hiện nay chẳng có dán niêm yết giá, xuất xứ, chất lượng… nên bán hàng đa cấp “chẳng khác gì hàng lậu”. Theo ông Hải, Nghị định 78 đã quy định về đăng ký doanh nghiệp, nhưng cơ sở để Công ty PGB hoạt động thời gian qua chỉ là sự đồng thuận của Cục quản lý cạnh tranh.

Theo ông Hải, được phép bán hàng đa cấp, nhưng bán hàng kiểu không đăng ký hoạt động, lập văn phòng, đại diện pháp lý… đó là lổ hỏng. “Như vậy, hồ sơ đa cấp của Công ty PGB chỉ mỗi Sở Công thương biết, cả tỉnh không hay. 30 ông đăng ký, chỉ có 6 ông đăng ký địa điểm, thế làm sao “sờ” được, biết đâu mà lần khi có sự việc, rồi đóng thuế ra sao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.

“Hôm nay chúng ta xới lên vấn đề này là để nắm rõ hơn việc hoạt động đa cấp, để từ đó cảnh báo người dân không mắc sai lầm, chứ tôi chưa mong ngày một ngày hai mà xử lý được các DN bán hàng đa cấp biến tướng”, ông Hải kết luận.

Viết Hảo – Việt Tùng

Khánh Hòa “loay hoay” xử lý bán hàng đa cấp trá hình, biến tướng - 3