1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh Hóa:

Khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(Dân trí) - Hiện nay, việc khai thác, truy xuất và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu hải sản đưa vào chế biến chưa chặt chẽ và đầy đủ. Mặt khác, tình hình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới chưa hiệu quả, chậm chuyển biến, cản trở sự phát triển sản xuất...

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận tại buổi kiểm tra hoạt động khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và làm việc với Ban quản lý (BQL) cảng cá Lạch Hới về tình hình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới.

Tình hình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới chưa hiệu quả, chậm chuyển biến, cản trở sự phát triển sản xuất
Tình hình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới chưa hiệu quả, chậm chuyển biến, cản trở sự phát triển sản xuất

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Đức Quyền, kết luận: UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản trong thời gian gần đây, nhất là liên tục phải đối mặt với xu hướng bảo hộ, phòng vệ thương mại từ các nước; sự cạnh tranh sản phẩm thủy sản giữa các DN trong nước, giữa DN các nước.

Hiện nay, việc khai thác, truy xuất và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu hải sản đưa vào chế biến chưa chặt chẽ và đầy đủ, mặc dù nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, DN, ngư dân về quản lý hoạt động khai thác thủy sản đã được nâng lên và nỗ lực để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Ủy ban Châu Âu.

Mặt khác, dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tình hình quản lý, khai thác cảng cá Lạch Hới chưa hiệu quả, chậm chuyển biến, cản trở sự phát triển sản xuất.

BQL cảng cá Lạch Hới chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, điều động tàu cá ra vào cảng thiếu hợp lý, khoa học; khai thác cầu cảng lãng phí (chỉ khai thác 74m/262m cầu cảng hiện có), do thiếu khu neo đậu nên không thu hút các tàu cá của các tỉnh và của địa phương khác vào cảng để bốc dỡ hải sản, làm cho các DN chế biến hải sản trong khu vực cảng và vùng lân cận thiếu nguyên liệu, sản xuất cầm chừng hoặc chuyển chế biến nông sản khác...

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về Sở NN&PTNT, UBND thành phố Sầm Sơn, BQL cảng cá Lạch Hới và UBND xã Quảng Tiến.

Từ thực tế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngư dân, DN trong hoạt động khai thác, chế biến thủy sản và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, khai thác, vận hành cảng cá Lạch Hới.

Cụ thể: Xác định ngao là sản phẩm thủy sản chủ lực, yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương xây dựng Đề án phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu ngao; quy vùng diện tích nuôi ngao cụ thể trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương theo hướng nuôi an toàn, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hộ nuôi ngao với DN chế biến, xuất khẩu; đảm bảo gắn với việc chứng minh, xác định được nguồn gốc sản phẩm.

Riêng đối với các sản phẩm thủy sản khác, đặc biệt là tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá, đề nghị các DN chế biến thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh thực hiện vùng sản xuất an toàn; ký kết thu mua với các hộ gia đình, các tàu khai thác hải sản...

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị các DN chế biến thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh thực hiện vùng sản xuất an toàn; ký kết thu mua với các hộ gia đình, các tàu khai thác hải sản...
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị các DN chế biến thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh thực hiện vùng sản xuất an toàn; ký kết thu mua với các hộ gia đình, các tàu khai thác hải sản...

Đối với việc quản lý, khai thác, vận hành cảng cá Lạch Hới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu BQL cảng cá Lạch Hới thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo đúng Quyết định số 2322/2015/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh.

Đồng thời, xây dựng phương án điều độ, ra vào bốc dỡ hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá, quy định cụ thể và đăng ký thời gian tàu thuyền lưu cầu cảng gắn với khung lệ phí khi neo đậu trong cầu cảng, đảm bảo vận hành cảng cá phù hợp, khoa học.

BQL cảng cá Lạch Hới phải đưa 262m cầu tàu của cảng vào khai thác, sử dụng; thực hiện ngay việc đóng mốc, thả phao chỉ giới xác định vùng để tàu thuyền neo đậu, ra vào bốc dỡ hàng hóa đảm bảo an toàn và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá theo đúng quy định.

UBND thành phố Sầm Sơn chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện nạo vét, khơi thông luồng lạch, đảm bảo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào, neo đậu tại âu tránh trú bão trong mùa mưa bão.

Duy Tuyên