1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kêu gọi hợp tác công - tư vì châu Á phát triển

(Dân trí) - Tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB, các diễn giả cho rằng, vì một châu Á phát triển thịnh vượng, khu vực này cần thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ thống tài chính tốt hơn cùng với liên kết thương mại chặt chẽ giữa công và tư.

Hội thảo “Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và hạ tầng xuyên biên giới” được tổ chức tại Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kéo dài từ chiều 5 đến hết ngày 6/5. Hội thảo quy tụ các chuyên gia ở cả khu vực công và tư để hai bên cùng thảo luận những giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển đồng thời trên phạm vi toàn khu vực.
 
Kêu gọi hợp tác công - tư vì châu Á phát triển - 1

Các diễn giả thảo luận về hợp tác khu vực công - tư tại châu Á.
Các diễn giả cho rằng, khu vực châu Á -Thái Bình Dương cần thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ thống tài chính tốt hơn cùng với liên kết thương mại chặt chẽ hơn nếu như khu vực này muốn thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, đồng đều và dài hạn. Khu vực công và tư cần hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu này.

Nền kinh tế châu Á xét về tổng thể đang có được tốc độ phát triển nhanh chóng, trong đó tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển đạt được năm ngoái là 9%, dự báo năm nay đạt 7,8% và năm 2012 sẽ đạt 7,7%. Tuy nhiên xét cả trên phạm vi khu vực cũng như phạm vi từng quốc gia, vẫn có một khoảng cách thu nhập rất lớn giữa các bộ phân dân cư. Mặc dù đạt được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, khu vực vẫn có gần 2 tỷ người chỉ sống với mức dưới 2 USD một ngày.

Theo các diễn giả, khi các chính phủ và các ngân hàng phát triển không thể cấp vốn cho tất cả nhu cầu đầu tư cần thiết trong khu vực thì sự tham gia của khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt. Sự bảo lãnh, quan hệ đối tác công - tư và những công cụ giảm thiểu rủi ro đều có thể giúp huy động nguồn vốn mà khu vực tư nhân còn đang do dự.

Bà Lakshmi Venkatachalam, Phó Chủ tịch ADB phụ trách Khu vực Tư nhân và các Hoạt động đồng tài trợ, cho biết: “Khi các chính phủ có thể và nên đảm bảo được một môi trường thuận lợi, phù hợp cho khu vực tư nhân trưởng thành và lớn mạnh, thì chính khu vực tư nhân sẽ mang lại sự phân bổ hiệu quả nhất các nguồn lực, duy trì động lực lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đã có nhiều câu chuyện thành công từ quan hệ đối tác công - tư trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều cơ hội dành cho cả hai bên để cùng hợp tác và đạt được những khoản đầu tư lớn và phức tạp.”

Còn theo bà Khempeng Pholsena, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Phụ trách về Tài nguyên nước và Quản lý Môi trường (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), chính sách và khuôn khổ phù hợp cũng như những cơ hội là chìa khóa để thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực. Bà cũng nhấn mạnh, Tiểu vùng Mê - kông Mở rộng đã thu hút được rất nhiều đầu tư vào các dự án về du lịch, viễn thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Cũng tại hội thảo "Các nhà đầu tư cho sự phát triển của châu Á: Tác nhân của sự thay đổi" do Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADB, vị chủ tịch của hãng này nhấn mạnh: “Trong những năm qua, châu Á đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong việc phát triển các thị trường vốn. Tuy nhiên, khu vực vẫn tiếp tục cần những bước tiến dài hơn nữa để hiện thực hóa được hết các tiềm năng của mình.”

Theo ước tính của Standard & Poor's, từ nay đến hết năm 2015, khu vực tư nhân và khu vực công trên toàn cầu sẽ cần khoảng 70 nghìn tỷ USD từ nguồn phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Trong đó, nhu cầu vốn ở khu vực châu Á sẽ tăng rất mạnh do các chính phủ tại khu vực sẽ thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới. ADB dự báo, châu Á sẽ cần tới 750 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm tới cho nhu cầu phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, hiện thị trường vốn châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề thiếu thông tin, các rào cản và điều tiết luật pháp đối với các nhà đầu tư vào trái phiếu... Những thách thức này đã và đang làm hạn chế mức độ phát triển của các thị trường tín dụng vốn rất tiềm năng ở khu vực.

“Các thách thức trên cần được giải quyết. Và một khi khung luật pháp rõ ràng, kiểm soát rủi ro tốt thì hệ thống thị trường vốn ở khu vực sẽ phát triển tốt và bền vững”, Trưởng Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Standard & Poor's Tom Chiller nhận xét.

An Hạ