1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Jetstar Pacific không được bay với biểu tượng “đi mua”

(Dân trí) - Cục hàng không Việt Nam vừa yêu cầu Jetstar Pacific không được sử dụng các biểu tượng “chữ Jetstar và ngôi sao màu vàng cam” và “chữ Jet và ngôi sao màu vàng cam” trong khai thác vận chuyển hàng không.

Chưa đồng ý đề nghị bay quốc tế

Theo Cục hàng không Việt Nam, việc sử dụng các biểu tượng trên của Jetstar Pacific (JP) gây nhầm lẫn với biểu tượng, thương hiệu của Jetstar Airways của Úc (thuộc tập đoàn Qantas).

Ngoài ra, biểu tượng, thương hiệu này trong quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm vận chuyển hàng không và các thủ tục liên quan khác liên quan khác gây tình trạng Jetstar Airways được quảng cáo là có các chuyến bay trên các tuyến nội địa, các tuyến quốc tế trong khi Jetstar Airways không có thương quyền vận chuyển.

Về điều này, trong văn bản mới đây Bộ Giao thông Vận tải cũng có ý kiến yêu cầu các doanh nghiệp hàng không chỉ được tiến hành kinh doanh theo các nội dung đã được cấp phép. Trong trường hợp này, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Bộ GTVT cấp cho JP chưa có quy định về biểu tượng.

Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa đồng ý với trước đề nghị của JP về việc xin mở đường bay đến 10 thị trường khu vực châu Á

Trước đó, ngày 18/9, JP có công văn số 1668/JPA đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm thủ tục chỉ định hãng hàng không và cấp quyền vận chuyển hàng không quốc tế đến 10 thị trường là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao, Malaixia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Lào.

Lý do để phía Cục Hàng không Việt Nam chưa xem xét việc cấp quyền vận chuyển hàng không quốc tế cho JP là hãng bay này chưa có hồ sơ đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không theo quy định, JP chưa đáp ứng yêu cầu về kiểm soát hữu hiệu hàng không thể hiện trong các hiệp định hàng không song phương VN đã ký với các nước.

Theo quy định về quyền kiểm soát hữu hiệu, tỉ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành của hãng hàng không VN không được vượt quá 1/3 (theo Nghị định 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ). Hiện tại, số người nước ngoài trong bộ máy điều hành của JP vượt quá tỷ lệ cho phép (kể cả các vị trí quản lý thương mại, tài chính).

Cục hàng không cũng đề nghị tới Bộ GTVT việc: chỉ xem xét chỉ định và cấp quyền vận chuyển hàng không cho JP khai thác đến các thị trường khác (ngoài các điểm Băng Cốc, PhnomPênh, Xiêm Riệp và Singapore đã được làm thủ tục trước khi có giấy phép) khi JP đáp ứng được yêu cầu về bộ máy điều hành.

Không thể hạn chế bay quốc tế của JP

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí , đại diện của JP khẳng định: hãng bay này đảm bảo các hoạt động kinh doanh của mình tuân thủ đầy đủ các quy phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, về vấn đề tỷ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành của JP, phía lãnh đạo hãng bay này khẳng định là do thực tế tình hình thị trường lao động chuyên ngành hàng không hiện nay ở Việt Nam, đã được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và được xem xét trong quá trình cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho JP, không thể được viện dẫn là lý do để hạn chế cấp thương quyền bay quốc tế cho JP.

Trước đây, khi JP xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 76, JP đã đề nghị nhà chức trách nhân nhượng và cam kết trong vòng 2 năm kể từ khi cấp phép sẽ đào tạo nguồn nhân lực trong nước thay thế người nước ngoài ở một số vị trí quản lý. Kiến nghị này đã được Chính phủ chấp thuận nên Bộ GTVT cấp giấy phép cho JP từ tháng 9/2008.

Ngoài ra, việc JP sử dụng thương hiệu Jetstar trong hoạt động của một hãng hàng không giá rẻ mới như JP là một thông lệ kinh doanh bình thường trên thế giới và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Phúc Hưng