1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

IFC sẽ cung cấp gói tài chính trị giá 125 triệu USD cho một ngân hàng Việt

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, mới đây đã phê duyệt gói tài chính trị giá 125 triệu đô la Mỹ nhằm giúp VPBank mở rộng vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.

Gói tài chính IFC sẽ cung cấp cho VPBank bao gồm khoản vay hợp vốn trị giá lên đến 100 triệu USD kỳ hạn vay 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 25 triệu USD. Khoản vay dài hạn sẽ được chia làm 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng trị giá 50 triệu USD.

Hợp đồng hợp vốn lần 1 đã được ký vào tháng 8/2016 với các bên đồng tài trợ là IFC và Ngân hàng Cathay United (CUB) và hợp đồng lần 2 dự kiến ký kết vào đầu quý IV/2016. Tính riêng trong năm 2016, khoản vay dài hạn cấp cho VPBank là khoản cho vay lớn nhất của IFC cho một ngân hàng Việt Nam. Hạn mức tài trợ thương mại 25 triệu đô la Mỹ dự định sẽ được ký kết trong tháng 8.

Là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC là tổ chức tài chính phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển. IFC có những quy tắc thẩm định và phê duyệt tín dụng chặt chẽ và ngặt nghèo trên cơ sở cân nhắc toàn diện đối tác vay về quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, sự lành mạnh về tài chính, và cam kết bảo vệ môi trường và xã hội.


IFC sẽ cung cấp gói tài chính trị giá 125 triệu USD cho VPBank.

IFC sẽ cung cấp gói tài chính trị giá 125 triệu USD cho VPBank.

IFC đặc biệt chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 97,6% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận người dân. Tuy vậy, tiếp cận tài chính được coi là trở ngại chính đối với tăng trưởng và mở rộng kinh doanh của thành phần này, với chỉ khoảng 30% các doanh nghiệp này có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức.

“Phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ là một trong các phân khúc trọng tâm của VPBank trong chiến lược hướng tới trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam,” ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết. “Gói tài chính do IFC cung cấp sẽ giúp VPBank đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, song song với việc mang đến những ưu đãi vượt trội và thiết thực cho khách hàng. Đặc biệt, việc IFC cam kết cung cấp gói tài chính trị giá 125 triệu đô la đã chứng tỏ sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của VPBank trên thị trường tài chính Việt Nam,” ông Vinh nhấn mạnh.

"Tăng cường năng lực cho vay của VPBank cho thấy cam kết lâu dài của IFC trong đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần," ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. “Mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính và thương mại là điều cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp thúc đẩy nền kinh tế, tăng ngoại tệ và tạo nhiều việc làm.”

VPBank được thành lập vào năm 1993 hướng đến việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho mọi đối tượng khách hàng, trong đó tập trung vào các phân khúc trọng tâm là khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tính đến 30 tháng 06 năm 2016, ngân hàng đã phát triển mạng lưới lên đến 214 điểm giao dịch, 64 trung tâm SME, 433 cây ATM và 16.000 cây ATM liên kết. Moody's đánh giá tín nhiệm của VPBank ở mức B3, triển vọng “ổn định”. VPBank cũng nằm trong số 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lựa chọn để thí điểm lộ trình thực hiện Basel II tại Việt Nam.

PV