1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Hữu Nghị bị “thâu tóm” ngay trước mùa bánh Trung Thu

(Dân trí) - Cổ phiếu HNF của Thực phẩm Hữu Nghị liên tục bị bán mạnh và rớt xuống “đáy” 1 năm sau thông tin bị DNA Holding chính thức thâu tóm thành công. Trong khi DNA Holding nâng sở hữu lên 51% thì các lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng đã giữ vị trí chủ chốt tại Hữu Nghị.

Với sự cải thiện của lực cầu, phiên giao dịch sáng nay (14/8), các chỉ số đã tăng trở lại, phủ xanh các sàn. VN-Index tăng 4,27 điểm tương ứng 0,44% lên 971,1 điểm còn HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,07% lên 102,36 điểm.

Số lượng mã tăng giá chiếm ưu thế so với số lượng mã giảm. Có 298 mã tăng, 34 mã tăng trần so với 233 mã giảm và 23 mã giảm sàn.

Thanh khoản so nhìn chung vẫn ở mức khá thấp với tổng cộng 73,68 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 1.485,63 tỷ đồng và 14 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 174,48 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, có thể kể đến tác động từ VHM, VCB, VNM, GAS… tuy nhiên các mã này lại chưa chi phối chỉ số. Chiều ngược lại, ROS, HDB, PLX, PNJ đang giảm giá.

Hữu Nghị bị “thâu tóm” ngay trước mùa bánh Trung Thu - 1

DNA Holding chính thức nắm quyền kiểm soát Hữu Nghị

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu HNF của Thực phẩm Hữu Nghị sáng nay giảm mạnh 4.600 đồng tương ứng mất giá 10,43% còn 39.500 đồng/cổ phiếu. Mã này đang có chuỗi giao dịch đầy bất lợi, giảm tới gần 21% chỉ trong 1 tuần giao dịch vừa qua và mất hơn 36% trong 1 tháng giao dịch. Mức giá hiện tại của HNF cũng là vùng đáy của mã cổ phiếu này trong 1 năm qua.

Mới đây, Công ty cổ phần DNA Holding đã công bố việc mua xong 2,54 triệu cổ phiếu HNF vào ngày 6/8 để nâng sở hữu tại Thực phẩm Hữu Nghị từ 38,3% lên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng này tại Việt Nam.

Được biết, trong phiên 6/8, tại HNF xuất hiện giao dịch thoả thuận 2,54 triệu cổ phiếu, đúng bằng khối lượng mua vào của DNA Holding, tại mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, để hoàn tất thương vụ này, DNA Holding phải chi ra khoảng 152,4 tỷ đồng nhằm nâng cổ phần tại Hữu Nghị lên tỷ lệ chi phối.

Ông Trịnh Trung Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị DNA Holding cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị và bà Lê Thị Lan Anh - Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT DNA Holding là Phó Chủ tịch HĐQT của Thực phẩm Hữu Nghị.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị, tiền thân là Nhà máy bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị, được thành lập và chính thức hoạt động vào ngày 8/12/1997. Đến năm 2006, sau 9 năm hoạt động, Nhà máy bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị.

Năm 2007, Hữu Nghị cơ bản xây dựng xong hệ thống phân phối tại 32 tỉnh thành từ Huế trở ra phía Bắc.

Đến năm 2008 thì Hữu Nghị đánh dấu mốc Nam tiến với việc triển khai hệ thống phân phối ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tháng 6/2009, Công ty Cổ phần bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần thực phẩm Hữu Nghị.

Cùng với đó, Hữu Nghị chính thức triển khai xây dựng hệ thống Bakery Hữu Nghị đầu tiên tại Hà Nội. Năm 2010, Hữu Nghị tiếp tục nâng cấp hệ thống phân phối nội địa, thành lập phòng xuất khẩu, tiếp tục mở rộng hệ thống Bakery.

Bước sang năm 2016, bên cạnh mặt hàng chủ lực là bánh kẹo, Hữu Nghị chính thức tham gia phân phối ngành nước chấm, gia vị.

Hữu Nghị bị “thâu tóm” ngay trước mùa bánh Trung Thu - 2

Giá cổ phiếu HNF đang không ngừng xuyên thủng đáy

Mai Chi