1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

HSBC: Lạm phát kép có thể quay trở lại

(Dân trí) - Theo nhận định của chuyên gia HSBC, tốc độ tăng trưởng nhanh của tiêu dùng nội địa sẽ làm tăng áp lực của lạm phát và có thể có lạm phát kép quay trở lại. Do đó, theo chuyên gia HSBC, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cần thắt thặt chính sách tiền tệ.

Tại hội thảo "Trao đổi về tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu, các Hiệp định Thương mại tự do và triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2016" diễn ra ngày 17/3, bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế HSBC Hồng Kông ghi nhận, trong năm 2015, trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt.

Có hai nguyên nhân để Việt Nam đạt được kết quả tích cực đó là xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vượt lên xu hướng chung của khu vực và tăng tưởng tốt về tín dụng.

Chuyên gia Izumi Devalier của HSBC
Chuyên gia Izumi Devalier của HSBC

Sang năm 2016, Việt Nam được dự đoán đứng thứ hai trong nhóm những thị trường mới nổi ở Châu Á. Tuy nhiên sẽ vẫn có những rủi ro mà Việt Nam cần phải lưu ý.

Cụ thể, bà Izumi cảnh báo, tăng trưởng nhanh của tiêu dùng nội địa sẽ làm tăng áp lực của lạm phát và có thể có lạm phát kép quay trở lại. Do đó, theo chuyên gia HSBC, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cần thắt thặt chính sách tiền tệ.

Đồng thời, năm 2016 này, tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng đối mặt với thâm hụt tương đối lớn. Tăng trưởng tín dụng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ đi kèm với sự suy thoái của cán cân thương mại do nhập khẩu tăng cao từ các doanh nghiệp trong nước, hầu hết là từ những doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Bà Izumi Devalier khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp quốc doanh và các DNNN vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là chìa khóa thúc đẩy nhanh tiến trình này.

Cũng tại hội thảo, ông Douglas Lippoldt chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với việc GDP sẽ tăng thêm khoảng 10,5%. Trong đó, ngành hàng dệt may và phụ liệu may mặc của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhờ kinh tế mở cửa.

Những điều khoản chuyên sâu của TPP sẽ hỗ trợ quá trình cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố niềm tin của các đối tác nước ngoài. Theo chuyên gia HSBC, mặc dù khu vực nhà nước sẽ vẫn chiếm phần đầu tư lớn nhất nhưng Chính phủ Việt Nam đang có những bước tiến mở cửa hơn nữa nền kinh tế.

Ông Douglas Lippoldt cũng cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bật lên mạnh mẽ và được kỳ vọng tăng hơn 10% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2030. Việc đa dạng hóa xuất khẩu cả về mặt sản phẩm và thị trường là cơ sở cho triển vọng tích cực này. Và với lực lượng lao động lớn, giá thấp và các hiệp định thương mại khu vực, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của những nhà đầu tư nước ngoài.

Bích Diệp

HSBC: Lạm phát kép có thể quay trở lại - 2