1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hơn 93% doanh nghiệp phá sản có quy mô vốn 10 tỷ đồng

(Dân trí) - Trong nhóm doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt đông, chính thức giải thể được công bố bởi Tổng cục Thống kê, đáng chú ý số lượng DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là số DN chính thức phá sản tăng hai chữ số 23%.

Cụ thể, theo báo cáo hiện cả nước có hơn 64.500 DN tạm ngừng hoạt động và chính thức phá sản, trong đó số DN chính thức phá sản là trên 10.400 DN, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2015. Còn lại bơn 54.000 DN đã tạm ngừng sản xuất có thời hạn và không có thời hạn.

Số DN nhỏ, siêu nhỏ chịu sức ép dẫn đến phá sản nhanh hơn, nhiều hơn (ảnh minh hoạ)
Số DN nhỏ, siêu nhỏ chịu sức ép dẫn đến phá sản nhanh hơn, nhiều hơn (ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, trong số hơn 10.400 DN chính thức phá sản, có khoảng 9.700 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm hơn 93,3% và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là dấu hiệu đáng lo đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó khó khăn lớn nhất là khu vực sản xuất hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ.

Ngoài số DN chính thức phá sản, số DN tạm ngừng hoạt động thời gian qua vẫn khá cao, trong đó nhóm DN tạm ngừng hoạt động không thời hạn, chờ giải thể vẫn chiếm rất lớn.

Cụ thể, trong số hơn 54.000 DN tạm ngừng hoạt động 11 tháng qua, có gần 19.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (có thể quay trở lại hoạt động) - chiếm gần 35%, còn lại chủ yếu tập trung vào đối tượng DN tạm ngừng hoạt động không thời hạn (chờ giải thể) với hơn 35.000 DN (chiếm gần 65% số DN nói trên)

Điểm đáng mừng trong bức tranh môi trường kinh doanh 11 tháng qua là số DN thành lập mới tăng khá mạnh.

Cụ thể, trong 11 tháng, cả nước có 101.680 DN mới được thành lập, số DN quay trở lại hoạt động cùng thời gian này là 24.560 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 126.200 DN. Một chỉ dấu cho thấy, những chính sách mới, động lực cải cách của Chính phủ, bộ ngành trung ương đã tạo ra cơ hội cho phát triển khu vực DN mới.

Tuy nhiên, số DN phá sản và tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm đã bằng 51% số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, điều này cho thấy quá trình đào thải các DN trên thị trường diễn ra khá gay gắt. Hơn lúc nào hết, các DN rất cần hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì thị trường cung ứng để tồn tại và phát triển.

Hiện, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế tư nhân Việt Nam chịu tác động lớn từ hiệu quả cải cách thể chế và tính minh bạch thông tin. Cho dù Việt Nam có sự cải cách mạnh từ Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ trong thời gian qua, song nguồn động lực cho sự hồi phục tăng trưởng kinh tế tư nhân vẫn chưa đạt hiệu quả vì cải cách khu vực công tại địa phương, vấn đề thị trường, sản xuất chuỗi hay hiệu quả kinh tế theo quy mô vẫn là thách thức của khu vực này.

Về hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự thảo Luật hỗ trợ DN Nhỏ và vừa, trong đó kêu gọi hỗ trợ về vốn, cải cách cơ chế, phát triển hạ tầng mềm (thuế, dịch vụ hải quan, quản trị...) cho DN nhỏ, cá nhân, sản xuất hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện dự thảo trên mới đang lấy ý kiến trước khi được Quốc hội thông qua.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân hiện đang gặp phải có yếu tố từ bên trong và cả bên ngoài như: năng lực quản trị, điều hành, quy mô sản xuất và bao tiêu thị trường, nghiên cứu thị trường và vấn đề vốn.

Tác động bên ngoài là thua thiệt từ thị trường cạnh tranh, áp lực vay lãi, trả nợ, đặc biệt không được tiếp cận các thông tin thị trường đúng đắn.

"Việc khu vực DN nhỏ và vừa, sản xuất hộ gia đình đã và đang chiếm 80% lao động, đóng góp gần 60% vào GDP đã và đang thu hẹp lại cho thấy sự khắc nghiệt của môi trường kinh doanh. Phần lớn DN nhỏ và vừa ra đời và không sống nổi là do áp lực cạnh tranh thị trường và chi phí hoạt động hiện tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra liên tục giảm", bà Lan nói.

Trước đó, trong báo cáo Khảo sát đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam 2015, thông qua cuộc điều tra của DN nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố mới đây, trong hơn 2.600 DN được khảo sát, 42,7% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức (phí lót tay, phí dưới gầm bàn) để duy trì hoạt động sản xuất, phát triển.

Mục đích DN chi tiền lót tay là nhằm tiếp cận các dịch vụ công, giải quyết vấn đề thuế, hải quan... trong đó, tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” năm 2015 là 18,75% số DN tham gia khảo sát; tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015. “Các nguyên nhân khác” có tỷ lệ phí phi chính thức tăng cao từ 35- 38%, trong đó nhiều chi phí không hề giảm như: chi phí “để giải quyết các vấn đề liên quan đến hải quan", “Để có được giấy phép và chứng chỉ” và “Để dành được hợp đồng cung cấp cho chính quyền” có sự thay đổi là không đáng kể.

Nguyễn Tuyền