1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hồi kết “cuộc tình" HSBC & Bảo Việt

“Cuộc tình” 5 năm với Bảo Việt sắp kết thúc mà không có hoa hồng cho HSBC, trong bối cảnh bóng đen của vụ bê bối rửa tiền ở Mexico vẫn chưa tan.

Hồi kết “cuộc tình HSBC & Bảo Việt
 
Trước khi nói chuyện HSBC thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt, cần điểm qua một số bê bối gần đây của HSBC, gây tổng thiệt hại ước tính lên đến 2 tỷ USD cho định chế tài chính khổng lồ này.

 

Lạc lối trên thế giới

 

Vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến các hoạt động rửa tiền tại chi nhánh HSBC ở Mexico được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế lớn như: Bloomberg, The Guardian, Reuters… đưa tin.

 

Ủy ban Điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện rằng, cơ chế kiểm soát yếu kém tại HSBC đã tạo điều kiện để các băng nhóm tội phạm quốc tế tuồn hàng tỷ USD từ Mexico, quần đảo Cayman... vào Mỹ qua các chi nhánh của ngân hàng này.

 

Tiểu ban thường trực về điều tra của Thượng viện Mỹ đã tung ra báo cáo điều tra dài 335 trang về vụ việc, trong đó mô tả kỹ các thất bại về tuân thủ của HSBC trong suốt 10 năm. Các hoạt động của chi nhánh HSBC tại Mỹ có trụ sở chính tại thành phố New York, trở thành trọng tâm chính của cuộc điều tra. HSBC bị cáo buộc đã sử dụng trụ sở này như địa điểm bán hàng và có thể giải quyết các giao dịch ngân hàng bằng USD cho khách hàng ở ngoài nước Mỹ.

 

Bản báo cáo cho biết, từ năm 2007 đến 2008, chi nhánh HSBC ở Mexico đã chuyển vào các chi nhánh HSBC ở Mỹ số tiền 7 tỷ USD, phần lớn là tiền có nguồn gốc từ các hoạt động buôn bán ma túy để rửa thành tiền sạch.

 

Vụ bê bối rúng động giới tài chính toàn cầu, khiến Giám đốc phụ trách Tuân thủ của HSBC David Bagley phải từ chức. Còn Chủ tịch Tiểu ban thường trực về điều tra của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Mỹ Carl Levin, đã nói thẳng trên báo chí Mỹ: "Văn hóa tuân thủ ở HSBC đã bị ô uế trên diện rộng trong thời gian dài".

 

Trước đó, HSBC đã phải chi ra 1 tỷ USD để bồi thường cho các khách hàng ở Anh vì những sai sót khi bán các sản phẩm bảo hiểm. Ngân hàng này cũng phải bồi thường 237 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ ở Anh do các rủi ro phát sinh từ các sản phẩm phòng vệ rủi ro lãi suất.

 

Theo Reuters, các khoản chi phí này khiến mức lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay của HSBC bị sụt giảm khoảng 3% so với mức 10,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nhưng vận hạn của HSBC chưa hết, bởi họ cũng là một trong số các ngân hàng bị chính phủ Anh điều tra về bê bối thao túng lãi suất Libor, gây rúng động thị trường tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của các ngân hàng.

 

Về kinh doanh, việc cùng lúc "đá" trên nhiều sân cũng khiến ngành kinh doanh cốt lõi của HSBC bị ảnh hưởng, buộc ngân hàng này phải bán bớt một số bộ phận.

 

Theo AFP, ngày 7/3/2012 ông Stuart Gulliver,Tổng Giám đốc HSBC nói, ngân hàng này đã đồng ý bán một số công ty bảo hiểm lớn của họ ở châu Á và Nam Mỹ cho công ty bảo hiểm Pháp AXA và công ty bảo hiểm Úc QBE, nhằm giảm chi phí và cơ cấu lại kinh doanh.

 

"Vỡ mật" với Bảo Việt

 

HSBC vào Việt Nam từ năm 1995, sau đó có hai thương vụ đầu tư đình đám khi mua 18% cổ phần của Bảo Việt và 20% cổ phần của Techcombank. Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu của Việt Nam xét cả về quy mô lẫn thị phần, hiện nay 71% vốn cổ phần vẫn do Bộ Tài chính nắm giữ.

 

Năm 2007, HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt sau khi hoàn tất thương vụ mua 18% cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước này.

 

Trong 5 năm là cổ đông chiến lược, HSBC đã hợp tác với Bảo Việt tiếp cận một số lượng lớn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng (hoạt động bán chéo sản phẩm).

 

Nhưng có vẻ như hiệu quả của sự hợp tác này chỉ dừng lại ở khâu phân phối sản phẩm. Trong giai đoạn này, hai bên cũng chỉ hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực không phải là then chốt đối với nghiệp vụ bảo hiểm, chẳng hạn như quản trị và kỹ thuật.

 

Nếu nhìn ở góc độ quy mô thương vụ trị giá tới 360 triệu USD của HSBC tại Bảo Việt, rõ ràng hiệu quả hợp tác là hoàn toàn không tương xứng. Danh xưng đối tác chiến lược, cộng với tầm vóc của hai định chế này khiến nhiều người kỳ vọng vào những kết quả kinh doanh lớn lao hơn.

 

Tuy nhiên, do Bộ Tài chính nắm giữ cổ phần chi phối tới 71% của Bảo Việt sau khi cổ phần hóa, rất khó cho HSBC thực hiện được những thay đổi mang tính chiến lược mà mình mong muốn tại doanh nghiệp này. Hơn thế, HSBC cũng chỉ có 1 đại diện duy nhất trong Hội đồng quản trị của Bảo Việt, do vậy không có nhiều quyền quyết định tới hoạt động kinh doanh tại đây.

 

Vào đầu năm 2011, HSBC đã có ý định tăng tỷ lệ vốn cổ phần sở hữu tại Bảo Việt lên mức 25%, nhưng lại bị cản trở bởi qui định của nhà nước về "room" đối với nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trong giai đoạn thị trường sụt giảm và khủng hoảng hiện nay, HSBC đang có khuynh hướng tái cấu trúc bộ máy và giảm bớt danh mục đầu tư của họ. Theo đó, tập đoàn mẹ sẽ thoái dần vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi như, bảo hiểm để tập trung vào mảng cốt lõi là ngân hàng.

 

Sự điều chỉnh chiến lược này chắc chắn cũng phải xảy ra ở Việt Nam - thị trường chưa phải quan trọng nhất tại châu Á của HSBC, nhất là trong thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam khá bất ổn và nhiều nhà đầu tư ngoại được cho là đang tìm cách rút lui khỏi thị trường.

 

Năm 2007 HSBC đã phải bỏ ra 360 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần tại Bảo Việt.

Như vậy có thể suy ra, bên cạnh sự chuyển hướng chiến lược kinh doanh trên toàn thế giới, nguyên nhân chính khiến HSBC quyết định thoái vốn khỏi Bảo Việt là do khoản đầu tư rất lớn này không mang lại hiệu quả như mong muốn.

 

Chỉ tạm lấy giá cổ phiếu Bảo Việt sau phiên tăng giá trần ngày 19/7 vừa qua để tính thì tổng giá trị cổ phiếu BVH (mã chứng khoán của Bảo Việt) mà HSBC nắm giữ theo giá thị trường là gần 270 triệu USD. Mức này thấp hơn nhiều so với số tiền 360 triệu USD mà HSBC đã bỏ ra để trở thành đối tác chiến lược tại Bảo Việt 5 năm về trước.

 

Cũng phải nhắc lại là HSBC quyết định thoái vốn đúng vào thời hạn lock-up hết hiệu lực (tháng 10/2012). Theo cam kết nắm giữ cổ phần của cổ đông chiến lược nước ngoài, đến nay HSBC đã có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng số cổ phần này. Vấn đề là HSBC có thể tìm được một đối tác muốn mua lại 18% cổ phần Bảo Việt tại thời điểm này hay không, và khả năng họ thu lãi đến đâu?
 
Chỉ mơ hòa vốn?

 

Chỉ mơ hòa vốn?

 

Phải nói ngay là kỳ vọng có lãi từ thương vụ này có vẻ hơi xa vời vào lúc này, kể cả khi danh tính người mua mới đã được nhiều tờ báo loan tin là Sumitomo Life (Nhật Bản). Về khả năng lời/lỗ của khoản đầu tư này, theo một chuyên gia tư vấn tài chính thì HSBC đầu tư vào Bảo Việt với tư cách là nhà đầu tư chiến lược có mục đích lâu dài, không phải nhà đầu tư tài chính tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần.

 

Vì vậy, việc HSBC buộc phải thoái vốn chỉ sau 5 năm (tương đương thời gian đầu tư tài chính trung bình của các quỹ đầu tư) là do bất đắc dĩ, bởi không nhìn thấy khả năng tăng trưởng ở đối tác này.

 

Như đã nói ở trên, mức giá thị trường hiện nay của khoản đầu tư của HSBC tại Bảo Việt chỉ dao động từ 250-300 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố khác như lạm phát của Việt Nam rất cao, bình quân từ 13 - 14%/năm trong 5 năm qua, kéo theo lãi suất ngân hàng cao không kém. Vì lẽ đó, mục tiêu của ngân hàng này hiện tại có lẽ chỉ cầu hòa vốn mà thôi.

 

Cũng giống như các giao dịch khác trên thị trường hiện nay, HSBC sẽ không dễ dàng tìm được bên mua do quy mô thương vụ quá lớn, tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn và hoạt động kinh doanh của Bảo Việt đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

 

Theo vị chuyên gia tài chính nói trên, nếu HSBC có bán được cổ phần thì chắc cũng phải ở mức giá thấp hơn tương đối nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu, thậm chí có thể phải hy sinh một số đặc quyền nào đó. Thế còn ảnh hưởng của việc thoái vốn đối với Bảo Việt thì sao? Có thể sẽ không có nhiều xáo trộn về mặt hoạt động do Bộ Tài chính vẫn nắm quyền chi phối tại Bảo Việt.

 

Về mặt tài chính, Bảo Việt có thể cũng không chịu ảnh hưởng nào lớn, vì giao dịch này là chuyển nhượng cổ phiếu thứ cấp (secondary share) giữa HSBC và nhà đầu tư khác. Nói cách khác, chỉ có HSBC và đối tác này mới có những thay đổi về tài chính. Ảnh hưởng nếu có đối với Bảo Việt có lẽ chỉ liên quan đến danh tiếng và truyền thông, bao gồm thông tin về lỗ/lãi, các tin đồn, cách đối xử với đối tác và các câu chuyện nội bộ của tập đoàn này.

 

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong 3 tháng đầu năm 2012 đạt 175.997 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Prudential khai thác được 58.526 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ 34.098 hợp đồng. Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ là 193.795 hợp đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức trách nhiệm mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang nắm giữ là 484 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo Thành Trung - Minh Tuệ

Doanh Nhân