1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hóa đơn điện tử: Nghị định ra đời gần 1 năm vẫn chưa có thông tư hướng dẫn

(Dân trí) - Không ít doanh nghiệp lại tỏ ra nghi ngại về việc nghị định đã có gần một năm nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hóa đơn điện tử: Nghị định ra đời gần 1 năm vẫn chưa có thông tư hướng dẫn - 1

Nhiều doanh nghiệp lo lắng khi Nghị định về hoá đơn điện tử ra đời vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Nói về triển khai hoá đơn điện tử, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.

Theo đó, ngoài đối tượng là các doanh nghiệp, nhiều hộ, cá nhân kinh doanh cũng trong diện phải dùng hóa đơn điện tử.

Theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, trong số 400 hội viên (trên tổng số 4.000 doanh nghiệp logistics), có 67% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) có khó khăn về nguồn vốn, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ, nên sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai hoá đơn điện tử.

Một trong những khó khăn được ông Tương nêu ra là hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn gây khó cho doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử.

Cũng đề cập tới vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Hương, đại diện Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật quốc phòng bày tỏ băn khoăn, nghị định đã ra đời từ tháng 9/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng ban hành thông tư để doanh nghiệp được hướng đẫn cụ thể khi xảy ra khúc mắc.

Ông Nguyễn Khơ Din, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của BKAV, Tổng thư ký Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng nêu lên lo lắng về việc, hiện chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử. 

Ông đặt câu hỏi về sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường.

"Ví dụ, cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện nhưng khi doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử, mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa được chấp nhận loại hóa đơn này," ông nói.

Liên quan đến đề xuất cần ban hành sớm thông tư hướng dẫn Nghị định 119, ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp thu vấn đề này.

“Tuy nhiên, đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp có điều kiện mới áp dụng hóa đơn điện tử mà hướng tới việc toàn bộ doanh nghiệp phải thực hiện hóa đơn điện tử. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị nên không thể làm trong một sớm một chiều” – ông Tân nhấn mạnh.

Ngoài khó khăn liên quan tới Thông tư hướng dẫn, đại diện các doanh nghiệp cũng nêu ra nhiều nội dung khác.

Đại diện cho đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hóa đơn điện tử, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Trung tâm giải pháp hóa đơn điện tử, Công ty cổ phần MISA cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp chưa dùng hóa đơn điện tử đều có chung những mối lo như bản thân đơn vị còn nhiều hóa đơn giấy nên cố “tận dụng” nốt số hóa đơn đã in.

Ngoài ra, vì chưa đến thời hạn bắt buộc (năm 2022) nên doanh nghiệp có thể có tâm lý chờ đến gần ngày cuối cùng mới triển khai.

"Nhiều doanh nghiệp còn quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật của hóa đơn điện tử khi thực hiện trên môi trường internet, không tin tưởng vào công cụ, an ninh an toàn của nhà cung cấp," bà nói.

Tuy vậy, theo bà, việc doanh nghiệp cố tình “né” hóa đơn điện tử là điều không hợp xu thế, thay vào đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp sớm chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp, tránh vướng mắc khi Nhà nước chính thức bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.

Phương Dung