1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hiệp định CPTPP: Tác động sẽ khiêm tốn hơn khi không có Mỹ

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đánh giá của Ngân hàng thế giới cho biết, CPTPP sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng, thương mại và thu nhập, tuy rằng mức độ sẽ khiêm tốn hơn Hiệp định TPP.

Trong điều kiện Việt Nam có cải thiện nhiều về năng suất, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3,5%.
Trong điều kiện Việt Nam có cải thiện nhiều về năng suất, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3,5%.

Phát biểu tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 10 diễn ra sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đề cập tới sự kiện Chính phủ 11 quốc gia đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 8/3 vừa qua.

Tác động sẽ khiêm tốn hơn TPP

Ông Hiếu dẫn đánh giá của Ngân hàng thế giới, CPTPP sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng, thương mại và thu nhập, tuy rằng mức độ sẽ khiêm tốn hơn Hiệp định TPP.

Theo kịch bản thông thường (khi không có thay đổi lớn về năng suất), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030. Trong điều kiện Việt Nam có cải thiện nhiều về năng suất, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3,5%.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, trong năm 2018, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ký hiệp ước thương mại tự do với EU, Thuỵ Sỹ và triển khai đối tác chiến lược với Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần; Peru ủng hộ thúc đẩy hợp tác dầu khí, viễn thông, du lịch tàu biển…

"Cùng với CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác, vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế sẽ ngày càng được tăng cường, thị trường Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn và cạnh tranh hơn, đặt cho chúng ta nhiều bài toán về gia nhập thị trường và khai thác các thị trường một cách có hiệu quả", ông Hiếu nói.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI phải cùng tranh thủ cơ hội phát triển này để đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm thế mạnh, thiết lập cơ chế gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tối đa các nguồn lực và các lợi thế hiện có.

Một trong những thế mạnh được Thứ trưởng chỉ ra chính là nguồn nhân lực. Việt Nam trong nhiều năm có tỷ lệ dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động hiện nay là 55 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và nhu cầu lao động, đặc biệt lao động chất lượng cao không ngừng tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Cơ hội nhiều nhưng chưa tận dụng hết

Đối với nguồn lực lao động hiện nay, điểm lợi thế của người Việt trẻ đó là trình độ tiếp cận công nghệ thông tin cao, nhanh nhạy, dễ thích ứng với những điểm mới của công nghệ, có nhiều cơ hội học hỏi, đào tạo, nâng cao tay nghề. Hiện nay, 53% dân số Việt Nam đã tiếp cận với Internet, cao hơn mức trung bình của thế giới là 48%.

"Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng Internet tăng bình quân 16% một năm. Đây cũng là điểm hết sức thuận lợi để Việt Nam có thể tham gia và bắt kịp về thương mại điện tử, quản lý và phân tích dữ liệu lớn, thiết lập các nền tảng kết nối trong cung ứng dịch vụ, giao dịch, trao đổi, tạo tiền đề cho sự tiếp cận sâu hơn vào tri thức khoa học công nghệ hiện nay", ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để Việt Nam tận dụng tối đa quá trình hội nhập thông qua hiệp định thương mại CPTPP cũng như các hiệp định thương mại khác, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ khi nói tới cơ hội thì FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng doanh nghiệp chưa được tận dụng hết. FTA cung cấp cơ hội, chứ không phải là giải pháp, chúng ta cần khai thác cơ hội nếu có hành động thiết thực".

Ông Warrick Cleine cho rằng, ông nhận thấy về CPTPP nhiều doanh nghiệp có vẻ giảm hào hứng khi Hoa Kỳ không tham gia, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường mới, thời điểm này doanh nghiệp nên tập trung vào các quốc gia khác như Úc, Newzealand, Nhật Bản…

Theo ông Warrick, doanh nghiệp cần cung cấp dịch vụ phù hợp yêu cầu khách hàng, sản xuất sản phẩm dịch vụ cần thiết cho cuộc sống của thị trường.

"Việt Nam đã liên tục giảm thuế nhập khẩu với các quốc gia từ một thập kỷ qua. Đây là kết quả trực tiếp các quốc gia tham gia vào hiệp định thương mại tự do. Kết quả gián tiếp, Chính phủ sẽ phải bù vào sự thất thu này bằng việc tăng thu thuế trong nước, nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp phải tuân thủ việc nộp thuế đầy đủ để bảo vệ chính doanh nghiệp khỏi các cuộc điều tra chính phủ về thuế", ông nói.

Phương Dung

Hiệp định CPTPP: Tác động sẽ khiêm tốn hơn khi không có Mỹ - 2