1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Hệ sinh thái điểm đến là tương lai của du lịch Việt Nam”

(Dân trí) - Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phát triển du lịch đã nói rất nhiều về nhu cầu phát triển một chiến lược bền vững, nhưng hầu như chưa có ai gọi tên được một cách chính xác chiến lược ấy là gì.


Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh Crystal Bay

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh Crystal Bay

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh Crystal Bay.

“Hầu như chúng ta chỉ khai thác những gì đã có sẵn, bào mòn dần những gì thiên nhiên, lịch sử và văn hoá truyền thống để lại. Những sản phẩm du lịch sáng tạo thêm thì hầu như chỉ đơn lẻ, rải rác, nhằm phục vụ nhu cầu của khách đến nghỉ dưỡng là chính chứ không phải được thiết kế để kéo khách đến và khách trở lại”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đối với một điểm đến, cho dù đó là một điểm đến quốc gia hay một điểm đến địa phương, bài toán luôn là giải pháp phát triển bền vững, có trọng tâm phát triển và khác biệt so với các điểm đến khác.

Song song với chiến lược đó là một kế hoạch cụ thể, có tầm nhìn dài hạn với mục tiêu là tạo một sức hút riêng biệt đối với khách du lịch, khiến họ quay trở lại nhiều lần và sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm riêng có của điểm đến.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch hiện nay của Việt Nam lại chưa làm được điều đó. Cụ thể, đầu tư của nhà nước vào du lịch tuy khá tích cực nhưng chưa toàn diện, chưa đủ sức tạo chuyển biến lớn, hỗ trợ du lịch phát triển như kỳ vọng.

Các doanh nghiệp chỉ chủ yếu tập trung vào các dự án lưu trú, khách sạn, resort, sân golf, hoặc một số dự án khu phức hợp giải trí. Hầu hết đây đều là các dự án đơn lẻ, không kết nối với nhau để tạo thành một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.

Trong khi đó, nhìn ra thế giới, những thành phố thành công nhất đều đã xây dựng được một hệ sinh thái của điểm đến.

Chẳng hạn như thành phố Las Vegas (Mỹ) được xây dựng thành một hệ sinh thái phục vụ cho mục tiêu định vị trở thành trung tâm giải trí dành cho người lớn, trung tâm tổ chức sự kiện, hội họp và MICE.

Las Vegas xây dựng khách sạn và kết hợp chúng với các dịch vụ giải trí đa dạng, phục vụ nhiều tầng lớp khác du lịch. Thành phố kết hợp với vùng phụ cận, khai thác các tour dài hơi như dịch vụ bay trực thăng ở Grand Canyon hoặc chuyến tour đập Hoover Dam, bên cạnh những khách sạn lung linh trên The Strip của đại lộ Las Vegas.

Hay như thành phố Alcañiz, Tây Ban Nha, từ một nơi gần như không có sức sống, sau khi xây dựng trường đua môtô Ciudad del Motor de Aragón cùng với một công viên công nghệ thì cả thành phố này đã biến thành một trung tâm du lịch hấp dẫn của châu Âu.

“Như vậy, một điểm đến phải bắt đầu được xây dựng hoặc là từ một ý tưởng phát triển định vị thương hiệu, một ý tưởng trung tâm, là cái lõi hình thành lên một hệ sinh thái bao quanh nó” ông Sơn nhấn mạnh.

Ý tưởng một điểm đến nào cho Việt Nam?

Theo ông Sơn, ở bình diện một quốc gia hoặc một địa phương, hệ sinh thái điểm đến phải bao gồm ít nhất 7 lĩnh vực: dịch vụ lữ hành; dịch vụ vận chuyển; dịch vụ lưu trú; dịch vụ giải trí; dịch vụ mua sắm; dịch vụ hậu cần; các sản phẩm du lịch chiến lược; và các sản phẩm du lịch hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất là phải có một ý tưởng mới lạ, khác biệt hoặc ít nhất là có thể tổ chức theo cách khác một ý tưởng đã có ở đâu đó trên thế giới.

“Ở Việt Nam, Đà Nẵng có một Festival pháo hoa quốc tế. Nhưng nếu chỉ dừng ở một sự kiện lớn như vậy mỗi năm thì vẫn chưa rõ được định vị của Đà Nẵng là gì. Với một công trình cung hội nghị Ariyana – Furama phục vụ APEC 2017, có thể nghĩ đến một thành phố của hội nghị và sự kiện như Cannes được không?

“Hay như Khánh Hòa, chúng ta khai mạc Liên hoan Du lịch Biển Khánh Hoà ở Ana Marina. Liệu Nha Trang có thể là một điểm đến của các lễ hội biển được không? ông Sơn nêu câu hỏi.

Rõ ràng, để xây dựng hệ sinh thái điểm đến như vậy, phải có những quảng trường đẹp, những công trình khách sạn, resort lộng lẫy, những sân khấu ngoài trời rực rỡ, hệ thống trang trí, quảng cáo, cùng các dịch vụ tiện ích cho tổ chức sự kiện và hậu cần.

Bên cạnh đó, cũng phải có dịch vụ nhà hàng, quán bar và khu mua sắm phục vụ du khách, phong cách được thiết kế phục vụ lễ hội biển và tất nhiên, không quên đi kèm hệ thống hạ tầng như sân bay, bến du thuyền, xe buýt hai tầng, dịch vụ lưu trú, y tế và du lịch biển.

Một kỳ nghỉ, hai vùng di sản

Với thế mạnh của một hệ sinh thái, với các dự án cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách và sản phẩm du lịch đặc trưng, Crystal Bay đang xây dựng một sản phẩm du lịch đặc biệt có tên gọi “Một kỳ nghỉ - hai vùng di sản”.

Theo ông Sơn, bản chất của khái niệm sản phẩm này là kết nối hai vùng di sản thiên nhiên của vùng Đông Bắc với khu vực miền Trung, kết nối Vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hoá Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.

Như vậy, không chỉ là hệ sinh thái điểm đến, Crystal Bay còn phát triển lên thành liên kết điểm đến, giúp khách hàng có những trải nghiệm đa dạng, phong phú trong suốt hành trình.

“Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản khác hoàn toàn với các tour du lịch tuyến như kiểu ‘Con đường di sản miền Trung’. Với các tour tuyến, đó chỉ là hành trình thăm quan các di sản thiên nhiên và văn hoá trong một hành trình nhất định. Sản phẩm của chúng tôi là thiết kế nhiều trải nghiệm khác nhau trong một khoảng thời gian du lịch nhất định, trong đó, các tour tuyến chỉ là một trong các sản phẩm được cung ứng.

“Như vậy, du khách sẽ có cớ kéo dài hơn thời gian dự định của họ tại Việt Nam và cũng hưởng thụ sự đa dạng những sản phẩm du lịch trong hành trình thú vị này”, ông Sơn chia sẻ.

Hà Anh