1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Hãy làm giàu một cách văn minh và có tấm lòng!”

(Dân trí) - Trước tình trạng có dấu hiệu làm giá đối với sản phẩm sữa cho trẻ em trên thị trường thời gian gần đây, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, bản thân ông cũng rất bức xúc và mong muốn, doanh nghiệp hãy làm giàu một cách văn minh và phải có tấm lòng.

Phản ánh với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên họp báo Chính phủ ngày 29/9, phóng viên cho biết, trong vài tháng trở lại đây, trên thị trường Việt Nam không còn sản phẩm gọi là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, mà thay vào đó là thực phẩm chức năng hay là thực phẩm bổ sung với mức giá liên tục tăng mạnh. Như vậy đã có những nhập nhèm trong khái niệm cũng như dấu hiệu làm giá ở mặt hàng sữa trẻ em.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng đánh giá “Chưa nói tới xử lý, rõ ràng đây là việc quản lý không tốt và phải đề ra biện pháp”.

Trước 5/10, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trước 5/10, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ trưởng cho biết, ngay trong sáng 29/9 sau khi đi công tác về, đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống theo quy định tại Luật Giá. 

Theo đó, trong luật đã quy định rất rõ ràng, sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Trong khi đó, các Thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống (tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi).

Với danh mục được Bộ Y tế ban hành lần này, Bộ Tài chính theo chỉ thị của Thủ tướng phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị “làm giá”. “Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay.

Ông cũng nói thêm, “Tôi có trực tiếp hỏi Bộ trưởng Y tế là liệu gấp như vậy, đến ngày 5/10 thì có làm được không, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa là sẽ làm được”.

Người phát ngôn Chính phủ cũng nhìn nhận, trước đây, những vấn đề xung quanh câu chuyện “lãi thật, lỗ giả” để trốn thuế của doanh nghiệp thường được nhắc đến nhiều, thì nay lại thêm một câu chuyện khác, đó là doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp và kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để “làm giá”, trục lợi. 

“Chúng ta phải kêu gọi tất cả - doanh nghiệp, người dân, chúng ta sống trong một thời đại xây dựng xã hội dân giàu- nước mạnh- dân chủ- công bằng- văn minh, hãy làm giàu một cách văn minh và làm việc gì cũng phải có tấm lòng trong đó”, Bộ trưởng nói. 

“Nhân việc này, tôi cũng đề nghị báo chí cần phải tuyên truyền để kêu gọi nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với với cộng đồng, phải có tấm lòng”, bởi tình trạng “làm giá” đối với sữa trẻ em là một hành động khiến dư luận không đồng tình, và bản thân người phát ngôn Chính phủ cũng cảm thấy bức xúc.

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 29/9, vấn đề giá sữa một lần nữa cũng đã được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Bộ trưởng cho biết, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi khi có biến động bất thường.

Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành thì thời gian vừa qua, một số sản phẩm dinh dưỡng và thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tuổi không đạt tiêu chuẩn độ đạm để gọi là sữa nữa.

Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành ngay danh mục sữa và các chế phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và nghiên cứu ban hành thông tư quy định mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng phải khẳng định là mặt hàng sữa vẫn phải quản lý theo cơ chế thị trường, nghĩa là theo giá thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước chỉ can thiệp khi có yếu tố độc quyền hoặc vi phạm luật cạnh tranh và chỉ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật giá”, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Bích Diệp