1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi từ quý III/2020

(Dân trí) - Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam dự báo khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Nền kinh tế dự kiến phục hồi từ quý III/2020.

Dự báo trên được nêu tại báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế do các nhà khoa học, chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp.

Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi từ quý III/2020 - 1

Ngành nào “chịu đòn” nặng nề nhất?

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, các tác giả báo cáo đã tiến hành xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Kết quả dự báo của các mô hình này cho thấy: tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý III năm 2020.

Vnindex giảm khoảng 28% phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%.

Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế với kịch bản thuận lợi nhất (kịch bản 1 - dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020) và kịch bản xấu nhất (kịch bản 3 - dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020).

Ở kịch bản 1, thương mại hàng hoá suy giảm 20-30%, nếu ở kịch bản 3 thì tăng lên 30-40%. Các con số tương tự với xuất nhập khẩu là 5-8% và 25%, với thương mại nội địa là 15% và 30%, dịch vụ vận tải, logistics lần lượt là 20% và 20-30%...

Dịch kéo dài hết năm, gần 40% doanh nghiệp sẽ phá sản

Bên cạnh các số liệu thống kê chính thức, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tiến hành khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 1/4/2020) để đánh giá tác động đến khu vực doanh nghiệp.

Trong số 510 doanh nghiệp có 92,6% doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 6,08% doanh nghiệp FDI và 1,76% doanh nghiệp nhà nước. Trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội, 12,2% tại TPHCM và 18,5% tại các địa phương khác. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.

Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi từ quý III/2020 - 2

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 60,2% doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác, 51,8% hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường.

Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp cho biết do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp gặp phải), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp gặp khó khăn này) .

Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.

Đáng chú ý là trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh càng kéo dài, khả năng phá sản của các doanh nghiệp càng cao. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất; có 18,1% phải tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản.

Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động; 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm qui mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng cao, đến mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay.

Phương Thảo