1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng vạn người bị đa cấp lừa đảo: Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân

(Dân trí) - Trao đổi riêng với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng vạn dân bị đa cấp biến tướng lừa đảo, là cơ quan cấp phép, quản lý, Bộ Công Thương không thể vô can. Chính phủ cần quy được trách nhiệm tập thể và cá nhân.


Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (ảnh: Việt Hưng)

Thưa ông, với tình trạng đa cấp biến tướng xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua, nhiều người cho rằng cần loại bỏ loại hình kinh doanh này khỏi nền kinh tế. Quan điểm của ông như thế nào?

Bán hàng đa cấp hiện nay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang cho phép, được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam vừa qua có xảy ra một số vụ lừa đảo lớn. Hàng nghìn người bị thiệt hại, một là do lỗi về quản lý, sự theo dõi diễn biến vụ việc của cơ quan chức năng không sát sao và việc tuyên truyền cho người dân lường trước những khả năng này còn hạn chế.

Phải thấy rằng, ở một số quốc gia, bán hàng đa cấp hoạt động nghiêm túc thì mang lại nhiều giá trị. Nhưng khi về Việt Nam thì để xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân. Chính vì vậy, Nhà nước phải tăng cường công tác quản lý hơn nữa. Phải ngăn chặn từ đầu chứ không nên để xảy ra tình trạng xấu như vừa qua, dư luận rất bất bình.

Tất nhiên, những công ty đa cấp nào hoạt động tốt, đúng mực thì vẫn nên cho tồn tại.

Thực tế thì với vụ Liên Kết Việt, truyền thông đã vào cuộc trước đó 6 tháng. Mà không chỉ riêng vụ này, trước đó cũng rất nhiều vụ việc khác, truyền thông đã lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, phải đến khi vụ việc vỡ lở thì Bộ Công Thương mới lên tiếng cảnh báo, lúc đó thì đã quá muộn....

Rõ ràng là đã có dự báo rồi nhưng phương án xử lý không đến nơi đến chốn. Phải xử lý tận gốc mới tránh được thiệt thòi cho người dân.

Bên cạnh tuyên truyền thì cần phải có phương pháp xử lý, phải có chế tài. Khi phát hiện vi phạm thì công tác xử lý phải hết sức cụ thể. Đấy là công việc của cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ quan quản lý phải giám sát đến nơi đến chốn hoạt động của các công ty đa cấp sau khi đã được cấp phép kinh doanh. Thấy có dấu hiệu biến tướng phải uốn nắn và dừng ngay hoạt động, nếu cần phải rút giấy phép.

Bộ Công Thương cho biết, số lượng doanh nghiệp đa cấp ở Việt Nam vẫn ít, chỉ hơn 60 doanh nghiệp. Thế nhưng những trường hợp biến tướng, lừa đảo vẫn thường xuyên xảy ra.

Số lượng công ty bán hàng đa cấp ở nước ta ít hơn so các nước, nhưng các nước vì sao không hoặc ít xảy ra lừa đảo? Rõ ràng, điều này cho thấy có sơ hở trong quản lý.

Với số lượng công ty ít như vậy mà vẫn để xảy ra lừa đảo thì Bộ Công Thương cấp giấy phép làm gì! Ở đây phải có trách nhiệm của nơi cấp phép.

Còn trong tình trạng kinh doanh đa cấp đang phức tạp như hiện nay không nên cho tăng thêm số lượng doanh nghiệp trên thị trường. Phải siết chặt, tăng cường quản lý để những doanh nghiệp đã được cấp phép phải hoạt động theo đúng pháp luật.

Phải nâng điều kiện thành lập và hoạt động doanh nghiệp cũng như quản lý thật chặt chẽ. Phải tăng mức ký quỹ lên. Có rất nhiều chế tài về mặt kỹ thuật mà cơ quan điều hành có thể làm được. Nếu không tăng cường các biện pháp, siết chặt điều kiện thì tôi nghĩ không bảo vệ được người dân đâu!

Câu chuyện quy trách nhiệm đã nói rất nhiều lần, nhưng cho tới giờ vẫn chưa thấy tổ chức, cơ quan nào lên tiếng..!

Sau khi đã điều tra thì tôi nghĩ là Chính phủ phải quy trách nhiệm: trách nhiệm của Bộ như thế nào, của các cá nhân ra sao. Tôi đề nghị cần phải quy được trách nhiệm cá nhân, chỉ rõ được trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không thể nói chung chung được.

Có cả một bộ máy giúp việc để quản lý việc này mà khi để xảy ra sự cố khiến dân thiệt hại như thế mà anh lại bảo anh đứng ngoài không có thái độ gì, cũng không chịu trách nhiệm gì thì rất vô lý.

Trong khi đó, bất cứ công việc gì cũng đều có khen thưởng và kỷ luật. Nếu làm tốt thì anh được khen thưởng nhưng làm không tốt thì phải bị phê bình, kỷ luật tùy theo mức độ. Đằng này đổ vỡ như vậy mà anh bảo anh không có trách nhiệm gì thì không thể nào chấp nhận được!

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khi doanh nghiệp có những hội thảo, tuyên truyền dụ dỗ thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

Chính quyền địa phương chỉ có thể quản lý được một phần mà thôi. Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các chi cục phải có trách nhiệm chứ không phải anh cấp phép xong rồi buông. Anh đã cấp phép rồi thì anh cũng phải có trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Hàng vạn người bị đa cấp lừa đảo: Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân - 2