1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh Hoá:

Hàng trăm sạp thịt lợn “gác thớt”: Chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch

(Dân trí) - Sau khi báo chí phản ánh về việc thông báo cấm vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn, chính quyền địa phương đã điều chỉnh lại thông báo. Theo đó, cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết qủa âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng dịch...

UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vừa phát đi thông báo số 94/TB-UBND, điều chỉnh thông báo số 90/TB-UBND ngày 16/5 về công tác chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Hàng trăm sạp thịt lợn “gác thớt”: Chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch - 1
Tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thiều đã trở lại sau thông báo điều chỉnh của chính quyền.

Trong thông báo số 90 của UBND xã Dân Lý có nội dung nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Đối với các hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5, cho đến khi hết dịch được công bố của UBND huyện.

Sau thông báo của chính quyền địa phương, các tiểu thương đã nghiêm chỉnh chấp hành và hàng trăm sạp bán thịt lợn tại chợ Thiều, xã Dân Lý đã phải “gác thớt” gần 10 ngày qua.

Chiều ngày 24/5, sau khi báo chí phản ánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử đoàn công tác về địa phương kiểm tra, đồng thời yêu cầu chấn chỉnh lại.

Hàng trăm sạp thịt lợn “gác thớt”: Chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch - 2
Thông báo điều chỉnh của chính quyền địa phương.

Qua kiểm tra của Sở NN&PTNT thì thông báo số 90 của xã Dân Lý hoàn toàn đúng theo Luật Thú y nhưng lại không đúng với tinh thần tại công văn 1960/BNN-TY ngày 20/3/2019 của Bộ NN&PTNT.

Từ đó, Sở đã đề nghị và UBND xã Dân Lý có thông báo mới thay thế thông báo trên, để đảm bảo thịt lợn được lưu thông theo đúng quy định.

Và trong thông báo điều chỉnh số 94 của địa phương này nêu: Ngày 16/5, Chủ tịch UBND xã có thông báo số 90/TB-UBND về việc cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn xã và chợ Thiều do nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã được công bố.

Lý do điều chỉnh thông báo là sau khi có sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT và UBND huyện Triệu Sơn hướng dẫn về công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Hàng trăm sạp thịt lợn “gác thớt”: Chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch - 3
Tiểu thương đã quay lại chợ bán hàng sau gần 10 ngày "gác thớt".

Cụ thể, nghiêm cấm việc giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn tại xã có dịch suốt trong thời gian có dịch mà không rõ nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.

Đồng thời, cấm vận chuyển lợn ra vào xã có dịch (trừ lợn có xuất phát điểm từ các cơ sở có chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực và có kết qủa xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả châu Phi, được phun tiêu độc khử trùng và hướng dẫn đường đi của cơ quan thú y có thẩm quyền cho phép).

Bên cạnh đó, cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết qủa xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng dịch; thịt và sản phẩm từ thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch.

Việc giết mổ phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y. Điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y xã và chính quyền địa phương.

Hàng trăm sạp thịt lợn “gác thớt”: Chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch - 4
Vẫn còn nhiều tiểu thương chưa quay lại chợ.

Do nhiều ngày dừng kinh doanh, chưa nhận được thông báo nên nhiều tiểu thương vẫn chưa quay trở lại chợ bán hàng. Sáng ngày 26/5, hệ thống loa truyền thanh của xã Dân Lý đã phát nội dung thông báo số 94 để người dân địa phương nói chung và các tiểu thương nói riêng nắm bắt được điều chỉnh này.

Sáng ngày 26/5, ông Đoàn Quang Chinh, quản lý chợ Thiều, xã Dân Lý cho biết, có một số tiểu thương có đủ giấy tờ đã quay lại chợ kinh doanh. Cũng theo ông Chinh, sáng nay (26/5) đã có nhiều quầy hàng bán thịt lợn trở lại kinh doanh.

Duy Tuyên