1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng loạt thách thức cho dệt may khi hội nhập

(Dân trí) - Dệt may là một trong những ngành mũi nhọn về xuất khẩu đã chịu nhiều tác động sau sự kiện Việt Nam là thành viên của WTO. Không những vậy, từ 1/1/2009, khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bán lẻ cho các DN nước ngoài thì sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Thách thức cả trong lẫn ngoài

Gia nhập WTO từ 11/1/2007, Việt Nam có điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng đổi lại, Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế và các hàng rào bảo hộ khác, minh bạch hóa chính sách. Và thực tế đó đã khiến cho các doanh nghiệp dệt may trong nước gặp không ít khó khăn.

Tại hội thảo “Phát triển ngành dệt may Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO và những giải pháp để tăng tốc”, ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: “Do phải cạnh tranh với hàng ngoại và mức thuế nhập khẩu dệt may đã giảm 2/3 xuống còn 5 - 20%, trong khi chúng ta chưa nhận thức hết được những thách thức, áp lực cạnh tranh khi hội nhập, dẫn đến việc thiếu chuẩn bị, thiếu phương án khi sản xuất kinh doanh khó khăn. Đặc biệt từ 1/1/2009, khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bán lẻ cho các DN nước ngoài thì sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn.”

Đầu tư nước ngoài tăng nhanh tại TPHCM và các khu công nghiệp dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động có kỹ năng tay nghề cao. Tình trạng chảy máu chất xám, “săn đầu người” diễn ra khá phổ biến và các DN đang rất lúng túng trong việc duy trì đội ngũ các quản lý, kỹ thuật giỏi của mình.

Các cuộc đình công trong ngành dệt may đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung và các thành phố lớn liên tục xảy ra, gây đảo lộn kế hoạch sản xuất giao hàng của nhiều DN, tạo ra hình ảnh xuất đối với các nhà đầu tư kinh doanh thế giới.

“Tình hình này nếu không được cải thiện thì dệt may khó có thể giữ được mức tăng trưởng về sản xuất và xuất khẩu trong những năm tới. Đây là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển của ngành” - ông Ân nói.

Khó khăn lớn nhất đối với các DN xuất khẩu hàng dệt may hiện nay là cơ chế của Hoa Kỳ giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và nguy cơ tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá.

Đây là thị trường chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng đều hàng năm. “Dù đã hai lần công bố kết quả là không tìm thấy Việt Nam chống bán phá giá vào Mỹ song có khả năng cơ chế này tiếp tục được thực hiện thêm ít nhất 1 năm nữa gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu bán lẻ Hoa Kỳ cũng như các nhà sản xuất Việt Nam do rủi ro cao” - đại diện Hiệp hội dệt may cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban nghiên cứu Xúc tiến thị trường, Tập đoàn dệt may Việt Nam còn cảnh báo thêm: “Thị trường tài chính và kinh tế Mỹ đang suy thoái, sức mua của người dân giảm trong đó tiêu dùng và hàng dệt may giảm đáng kể. Hơn nữa, hàng dệt may vào Mỹ cũng sẽ khó khăn hơn do Ủy ban quốc hội Mỹ vừa thông qua luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ và có hiệu lực từ tháng 2/2009”.

Xác định rõ nhu cầu thị trường

Thực tế cho thấy, để đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp dệt may trong nước phải giải được bài toán lao động.

Theo ông Ân, cần phải tăng cường nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao về quản lý, kỹ thuật công nghệ, thiết kế thời trang… Mở rộng hợp tác với nước ngoài, nâng cấp các trường dạy nghề, cải tiến phương pháp đào tạo cho sát thực tế.

Bên cạnh đó, phải chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động. Khuyến khích các DN tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất may mặc về các thị tứ, vùng nông thôn nhằm giải quyết được bài toán về lao động. Tiết giảm chi phí nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, thu hút đơn hàng.

Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng Tín, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Việc này không chỉ làm giảm giá thành mà còn góp phần vào công cuộc giảm tỷ lệ hàng gia công.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may Hồ Gươm cho biết thêm: “Cần phải xây dựng thương hiệu mạnh để khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách ổn định về giá, về thời gian cung cấp điện. Tình trạng cắt cúp điện như trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”.

Để chống lại cơ chế giám sát nhập khẩu và chống bán phá giá của Mỹ, theo Chủ tịch hiệp hội dệt may, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các DN cũng như hiệp hội các nhà nhập khẩu, bán lẻ, các đối tác từ phía Mỹ.

Xem ra, áp lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tự cứu lấy mình, khẳng định vị trí và trưởng thành hơn, trong đó có lĩnh vực dệt may.

Lan Hương