1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng không đau đầu vì... chim trời

Sự cố chim trời đâm móp đầu chiếc máy bay A320 mang số hiệu VN-A650 của VietJet Air từ Buôn Ma Thuột về sân bay Nội Bài (Hà Nội) tối 30.9.2015 khiến nhiều hành khách trên chuyến bay này được một phen hú hồn.

Sự cố tối 30/9 khiến VietJet Air phải dừng khai thác tàu bay để sửa chữa phần đầu bị móp và chuyến bay VJ183 từ Hà Nội đi TPHCM sau đó chậm 30 phút. Đồng thời cũng ảnh hưởng dây chuyền tới một số chuyến bay ngày tiếp theo. Theo đại diện của Vietjet Air, thời gian gần đây số lần chim trời đâm vào máy bay có chiều hướng gia tăng và hãng thường gặp phải sự cố va vào chim.

Đại diện Ban An ninh - an toàn, TCty Cảng hàng không (ACV) cho biết, khi va chạm với máy bay, chim trời có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn có thể chui vào bánh lái, động cơ máy bay, phá hủy thiết bị khi máy bay đang bay tốc độ lớn, uy hiếp an toàn. Sở dĩ chim trời là mối hoạ thường trực với ngành hàng không là bởi sự chênh lệch tốc độ giữa máy bay phản lực với chim trời.

Các loài chim, dù lớn hay nhỏ, khi va chạm sẽ tạo ra một lực phá rất lớn. Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và máy bay có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim lớn bị hút vào động cơ phản lực.

Cục Hàng không VN dù có kế hoạch tăng cường “đuổi chim” ở các sân bay song vẫn chưa hiệu quả. Việc chim trời va vào máy bay không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại về vật chất, mà hành khách cũng phải chịu phiền toái do lịch bay thay đổi. Thậm chí, cục này cũng chỉ đạo các đơn vị khai thác cảng nhập máy đuổi chim từ nước ngoài về nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nhiều chuyến bay bị chậm hủy do bắt buộc phải kiểm tra máy bay sau mỗi vụ va chạm để bảo đảm an toàn.

Cục Hàng không VN cũng có đề án mua thiết bị phát ra âm thanh xua đuổi chim, nhưng khi đưa vào thử nghiệm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất lại không hiệu quả do các loài chim của Việt Nam có độ thích nghi nhanh. Ban đầu thiết bị này đuổi được nhiều chim, song một vài ngày chim không còn sợ những âm thanh này nữa. Hơn nữa do địa hình đồi núi của Việt Nam rộng lớn, nên thiết bị đuổi chim của ACV nhập từ Singapore không phát huy hiệu quả tại Việt Nam.

Đại diện Cục Hàng không VN cũng cho biết, thường các vụ va chạm xảy ra khi máy bay đang hạ hay cất cánh. Có nghĩa là chim không va đập trong sân bay mà thuộc khu vực lân cận với bán kính 8km. Do đó, các cảng hàng không cần phối hợp với địa phương dọn sạch nơi trú ngụ của chim như ao hồ, cây cối... ở khu vực lân cận đường máy bay cất, hạ cánh.

 

Một số vụ mất an toàn hàng không do chim trời đâm “chim sắt”:

Ngày 6/1/2014, một chiếc máy bay của Vietjet Air va vào chim trời buộc phải dừng chuyến bay để kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật; ngày 16/7/2014, khi một máy bay của Jetstar đang lăn bánh từ sân đỗ ra đường băng để rời TPHCM đi Hà Nội, hệ thống máy tính báo hiệu có khói trong khoang chứa hàng. Máy bay phải lập tức quay lại để kiểm tra và hành khách được sơ tán.

Sau khi kiểm tra phát hiện nguyên nhân do chiếc lông chim; tối 20/7/2014, chuyến bay mang số hiệu BL522 từ TPHCM đi Vinh (Nghệ An) chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng bị chim trời va đâm vào máy bay. Tuy chuyến bay hạ cánh an toàn nhưng máy bay phải nằm lại sân bay để kiểm tra kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho chuyến bay tiếp theo.

Gần đầy nhất, vào ngày 7/5/2015, một chuyến bay của Jetstar Pacific gặp phải sự cố tương tự khi va phải chim trời. Buộc hãng này phải thông báo sự cố bất khả kháng cho hành khách, đồng thời bố trí thêm nhân sự phục vụ khách chưa nhận được thông báo, giải quyết vấn đề phát sinh khác tại sân bay như thu xếp suất ăn, nước uống cho khách bị ảnh hưởng.

 

Theo Đặng Tiến
Lao động

 

Hàng không đau đầu vì... chim trời - 1