1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng chục nghìn doanh nghiệp được ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại nợ

(Dân trí) - Một đợt giảm lãi suất sâu khoảng 2-2,5%/năm so với trước đó đã được nhiều ngân hàng cam kết thực hiện và triển khai, qua đó hàng chục nghìn doanh nghiệp được giảm lãi, cơ cấu lại nợ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính từ 23/1- 28/3/2020, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng, chủ yếu cho khách hàng ở các ngành: dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục…

Cùng với đó, các ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng (khoảng 250.000 tỷ đồng) ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp được ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại nợ - 1

Ngân hàng đồng loạt triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng (khoảng 250.000 tỷ đồng) ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Minh Dương cho biết: “Từ khi xảy ra dịch Covid -19, mảng công nghiệp phụ trợ của chúng tôi giảm đến 50% sản lượng, hàng tiêu dùng giảm khoảng 20%".

Điều khiến ông Hồng lo ngại nhất là sự thanh khoản của dòng tiền. Trước đây, khi tình hình ổn định, các đối tác Hàn Quốc, châu Âu của công ty đều thanh toán rất nhanh chóng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các thị trường trên cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nên việc thanh toán bị chậm hơn. Tuy nhiên, rất may là điều này đã phần nào được trút bỏ khi ngành ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ.

“Tôi và các tổ chức tín dụng đã cùng trao đổi một cách rất thẳng thắn, chia sẻ với nhau để cùng nhau vượt qua đại dịch này. Việc giảm lãi suất cho chúng tôi cũng đã tốt rồi, tuy nhiên, điều chúng tôi đánh giá cao nhất là các tổ chức tín dụng đã hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp”, ông Hồng nói.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19, một đợt giảm lãi suất sâu khoảng 2-2,5%/năm so với trước đó đã được nhiều tổ chức tín dụng cam kết thực hiện.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu, trước đây đến 30/4 thì được chuyển sang đến 30/9. Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ dành một gói khoảng 30 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 2-2,5%/năm, trong đó các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5%/năm so với mặt bằng lãi suất hiện tại.

Động thái đồng loạt hạ lãi suất cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng chấp nhận cắt giảm một phần lợi nhuận. Ông Nghiêm Xuân Thành tiết lộ, chỉ với gói 30.000 tỷ đồng mới với lãi suất cho vay thấp hơn 2-2,5%/năm so với trước đó, Vietcombank đã giảm khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận.

Hay như tại SHB, ngân hàng triển khai gói tín dụng 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi, trong đó giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường nhằm hỗ trợ khách hàng sớm vượt qua khủng hoảng bởi đại dịch.

Cùng với việc giảm một phần lợi nhuận, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của Ngân hàng SHB cũng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.

An Hạ - Duy Tiên