1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội, TP.HCM “dẫn đầu” danh sách cổ phần hóa rất… chậm!

(Dân trí) - Theo Bộ Tài chính, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương dẫn đầu danh sách chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tới năm 2020, Hà Nội phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TPHCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch.

Sáng nay (16/10), tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị.

Cổ phần hóa rất chậm

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) kịp thời theo đúng quy định.

Về tình hình thực hiện cổ phần hóa, giai đoạn 2016 - 2018, có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 206.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng của năm 2019, có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tổng giá trị doanh nghiệp của 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng.

Hà Nội, TP.HCM “dẫn đầu” danh sách cổ phần hóa rất… chậm! - 1
Hà Nội, TP.HCM đứng đầu danh sách “chậm trễ” cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (ảnh: DĐKT)

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 443.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 206.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong số 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh  nghiệp.

"Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 là Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty." - Bộ Tài chính thông tin.

Doanh nghiệp nào phải thoái vốn giá trị lớn?

Về kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 - tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là Bộ Công Thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP; Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp)...

Trong báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo quyết định của Thủ tướng. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 doanh nghiệp (chiếm 71%).

Bộ Tài chính nêu đích danh nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chưa thực hiện phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, DNNN như: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch, các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Gia Lai, Quảng Nam, Bạc Liêu...

Kết quả rà soát, tổng hợp của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2019 đã có 840 DNNN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán. Hiện 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Châu Như Quỳnh