1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Hà Nội lần đầu được đánh giá có chất lượng điều hành "tốt" sau nhiều năm “mất hút”

(Dân trí) - Trong khi Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp trụ vững ngôi vị “quán quân” PCI thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dù được đánh giá có nhiều nỗ lực song vẫn chưa thể lọt vào “tốp” xuất sắc của 5 địa phương đứng đầu.

Toàn cảnh lễ công bố PCI năm 2016 đang diễn ra tại Hà Nội
Toàn cảnh lễ công bố PCI năm 2016 đang diễn ra tại Hà Nội

Sáng nay (14/3), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016.

Đây là lần thứ 12 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Theo ghi nhận tại báo cáo, đây là năm thứ 4 liên tiếp thành phố Đà Nẵng trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Long, Lào Cai. Đây là nhóm những địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành xuất sắc nhất.

Các địa phương khác như Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được những đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

PCI 2016 cũng cho thấy xu hướng cải thiện điểm số đáng kể của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành “tốt”, ở vị trí thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành.

Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành được đánh giá là tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. So với năm 2015, những chuyển biến tích cực thể hiện rõ nét trong vấn đề chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Cuộc điều tra PCI 2016 nhận được sự phản hồi của 10.037 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.042 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và 2016) và 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 46 quốc gia đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Bích Diệp