1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hà Nội: Doanh nghiệp muốn mở cửa khách sạn, sân golf để “cắt”… lỗ!

(Dân trí) - Tập đoàn BRG kiến nghị TP. Hà Nội cho mở cửa các khách sạn, sân golf kèm theo điều kiện an toàn để giảm tổn thất cho doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất “mỏng manh, dễ vỡ”.

Những kiến nghị nói trên được nêu lên trong Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chiều 16/4, tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG - cho biết, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại nặng nề trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị TP.Hà Nội tạo điều kiện cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa đi từ Hà Nội về các địa phương và ngược lại; Các doanh nghiệp được thi công, cải tạo các điểm bán lẻ; Hỗ trợ chi phí để các siêu thị có thể cung cấp cho nhân dân các vùng có dịch như vận chuyển, bảo hộ y tế cho nhân viên bán hàng.

“Cho mở cửa các khách sạn, sân golf kèm theo điều kiện an toàn để giảm tổn thất cho doanh nghiệp” - bà Nga nói.

Hà Nội: Doanh nghiệp muốn mở cửa khách sạn, sân golf để “cắt”… lỗ! - 1
Hoạt động của một sân golf trước khi xảy ra dịch Covid-19 (ảnh: facebook BRG)

Do lĩnh vực khách sạn du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, bà Nga đề nghị thành phố giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp 50%; thay đổi cách hạch toán phí dịch vụ; Miễn hoặc giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng; tiền thuê đất; thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020.

Đồng thời, thành phố cần trích ngân sách để lập quỹ kích cầu du lịch cho Hà Nội, tổ chức các quảng bá đến các thị trường trọng điểm sau khi dịch bệnh kết thúc.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội - thông tin: Các doanh nghiệp đang rất mong mỏi các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, các tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể đúng, trúng, kịp thời.

“Chậm thì nguy cơ sụp đổ” - ông Hiển bày tỏ lo ngại và cho biết “các doanh nghiệp nhỏ hiện nay rất mỏng manh dễ vỡ”.

Hiện nay trong nhiều khó khăn mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và thành phố đang hỗ trợ thì doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải có đầu vào-đầu ra thị trường.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu và yếu trong lĩnh vực này. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nỏi riêng họ chỉ tập trung vào một vài số thị trường lớn, tập trung cả nước ngoài và trong nước” - ông Hiển cho hay.

Tuy nhiên, những thị trường chiếm kim ngạch lớn hiện cũng đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, nếu không có thay đổi ngay sẽ khó phát triển sau khi dịch bệnh đi qua.

Được biết, Hà Nội đang có nhiều quỹ như: Quỹ xúc tiến thương mại; Quỹ môi trường; Quỹ đào tạo. Những quỹ này các doanh nghiếp rất cần về tiêu chí, tiêu chuẩn tiếp cận nhưng rất khó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vào thời đểm này cần đổi mới công nghệ, sản phẩm, quản lý quản trị. Chính vì vậy, thành phố nên sử dụng khai thác hết các quỹ trong lúc này. Mong trong thời điểm này, thành phố ưu tiên bổ sung cho quỹ này để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề thuế, ông Hiển đề nghị đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phố cần kiến nghị với Chính phủ giảm thuế trong đợt dịch bệnh từ nay cho đến sau thời kỳ của dịch bệnh.

Về Đề án 20 khu, cụm công nghiệp nhưng thủ tục triển khai đang bị chậm, ông Hiền đề nghị đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ kịp thời để tạo điều kiện mặt bằng kinh doanh.

Châu Như Quỳnh