1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hà Nội bỏ “giờ giới nghiêm”: Cởi trói cho người kinh doanh?

(Dân trí) - Chỉ thời gian ngắn nữa, Hà Nội sẽ quyết định gỡ bỏ quy định “giờ giới nghiêm” đối với các điểm vui chơi. Thông tin này khiến nhiều người kinh doanh đánh giá là tin tốt và sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Phố Lương Ngọc Quyến lúc 21h vô cùng đông đúc, là tuyến phố đi bộ trong các buổi tối cuối tuần tạo thành điểm giải trí hấp dẫn với khách du lịch quốc tế.
Phố Lương Ngọc Quyến lúc 21h vô cùng đông đúc, là tuyến phố đi bộ trong các buổi tối cuối tuần tạo thành điểm giải trí hấp dẫn với khách du lịch quốc tế.

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch mới đây, Chủ tịch thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cho hay, Hà Nội sẽ gỡ bỏ “giờ giới nghiêm” tại các tụ điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố.

“Hiện nay chúng ta đang cấm, chỉ cho chơi đến 24h. Tuy nhiên, ngay trong mùa thu này sẽ mở cửa lại”, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định.

Mới đây nhất, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung một lần nữa cho biết, thời gian tới thành phố sẽ có một số hoạt động để thúc đẩy phát triển du lịch, như: Mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm; mở phố sách và nới lỏng quy định cấm kinh doanh sau 24h. Các địa điểm được cân nhắc làm phố sách là phố 19/2, Lê Lai hoặc Lê Thạch.

“Việc nới rộng kinh doanh sau 24h với các điểm dịch vụ tại khách sạn 4, 5 sao, quán bar, cơ sở ăn uống tại phố cổ là để khách nước ngoài vui chơi nhiều hơn. Kéo dài tới giờ nào chúng tôi sẽ bàn cụ thể vào thứ 7 tuần này”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Như vậy, chỉ thời gian ngắn nữa, Hà Nội sẽ quyết định gỡ bỏ quy định “giờ giới nghiêm” đối với các điểm vui chơi. Thông tin này khiến nhiều người kinh doanh đánh giá là tin tốt và sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Sung Seung Hoon, chủ chuỗi cửa hàng cà phê và quán bar Vpresso tại Lý Quốc Sư (Hà Nội) cho hay: “Băng Cốc của Thái Lan - một trong những đối thủ cạnh tranh về khách du lịch của Việt Nam, là một thành phố không ngủ, hoạt động 24/24h. Tôi nghĩ Hà Nội cũng nên cho phép các nhà hàng, tụ điểm vui chơi được hoạt động khuya hơn”.

Là một người nước ngoài có nhiều năm sinh sống và kinh doanh quán bar, cà phê tại Hà Nội, ông Sung cũng cho biết: “Rất nhiều người nước ngoài đã quen thuộc với cuộc sống về đêm kéo dài đến 2-3 giờ sáng, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần. Ngoài ra, họ cảm thấy tiếc khi phải dời đi vào thời điểm 0 giờ”.

Chủ một nhà hàng tại khu vực quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng: “Dù có quy định “giờ giới nghiêm” nhưng thực tế, do thiếu sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng nên vẫn có những nhà hàng, quán bar hoạt động sau 12h đêm, thậm chí còn thông đêm. Việc bỏ quy định này vừa có thể giúp các hàng quán mở khuya hơn mà không phải tìm cách “lách luật”, vừa có thể thu hút thêm khách hàng, giúp tăng doanh thu”.

Theo chị Xuân, chủ một quán tại phố Tạ Hiện - một điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài tại Hà Nội - cho hay: “Khu vực này, tầm 8-12h đêm thường là giờ “cao điểm” vui chơi của du khách và giới trẻ. Họ dạo phố, vào bar hay ngồi quán vỉa hè. Việc cứ tầm nửa đêm phải dọn hàng hoặc công an phường đi dẹp trật tự cũng ảnh hưởng tới việc kinh doanh của quán và nhu cầu của khách hàng”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Hà Nội không nên bỏ “giờ giới nghiêm” với tất cả các hàng quán trên địa bàn thành phố mà nên có sự phân vùng để tránh việc không kiểm soát được về an ninh, trật tự.

Dưới góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, có ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định trên chưa hẳn đã tác động tốt tới việc thu hút thêm khách du lịch.

Bà Nguyễn Bích Thuỷ - Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Khách quốc tế đến Việt Nam vì phong cảnh đẹp, đến Hà Nội vì 36 phố phường bình yên chứ không phải đến để vui chơi qua đêm. Những điều đó họ có thể tìm ở đất nước họ”.

“Việc bỏ lệnh giới nghiêm có thể sẽ không có tác động lớn cho du lịch mà có khi lại đánh mất sự bình yên ở Thủ đô mà từ trước tới nay khách quốc tế vẫn muốn đến. Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần phải làm sao để ngành du lịch phát triển đồng bộ, đầu tư những điểm thăm quan hấp dẫn khách du lịch chứ không để Hà Nội chỉ được coi như là một điểm trung chuyển như bây giờ”, vị này nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho rằng đây là giải pháp thiết thực nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách cũng như phát triển các sản phẩm du lịch.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng thừa nhận, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và việc mở rộng thời gian kinh doanh dịch vụ có khả năng gây ra những hiệu ứng ngược, tạo điều kiện cho những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh phát triển, nhất là khi thiếu sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng.

Phương Dung