1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gửi tiết kiệm lấy lãi cũng lo phải nộp thuế thu nhập: Bộ Tài chính nói gì?

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho rằng, thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá. Do vậy, trước mắt chưa nên thu thuế thu nhập cá nhân.

Thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá.
Thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá.

Liên quan tới kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc không nên thực hiện đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, báo chí có đăng tải ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức đề xuất mở rộng cơ sở thuế bằng cách đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm đối với nhóm cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng lớn.

"Việc đánh thuế đối với lãi tiền gửi ngân hàng để đảm công bằng với thu nhập từ đầu tư vốn vào các doanh nghiệp hiện nay cũng đang thu thuế TNCN (5%), đồng thời tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, qua theo dõi phản hồi, dư luận hiện nay cũng chưa đồng tình với việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng", Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế TNCN hiện hành quy định miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng. Việc miễn thuế TNCN nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Bộ Tài chính cho rằng, đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để lĩnh lãi. Thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá. Do vậy, trước mắt chưa nên thu thuế TNCN.

Đề nghị đánh thuế vào khoản tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội) được đưa ra tại một Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số Điều của 5 Luật thuế như Giá trị gia tăng (VAT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được tổ chức hồi cuối năm ngoái.

Theo lý giải của Luật sư Trương Thanh Đức, với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỷ đồng thì nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.

Ông Đức lý giải, theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Nếu một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay thì đây là khoản tiền lớn và cần phải chịu thuế thu nhập.

Vị luật sư từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải xét vào diện chịu thuế. Hiện với mức lãi suất cho vay hiện khoảng 7%/năm, để có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.

"Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập bất thường, cần tính theo từng khoản thu nhập, không cộng dồn, tránh phức tạp, thu không được bao nhiêu", ông Đức nói.

Trước đó, từ năm 2013 Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu từng có đề xuất đánh thuế thu nhập vào khoản tiền lãi từ tài khoản tiết kiệm trên 500 triệu đồng của người dân. Hồi năm 2006, một dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Tuy nhiên, ý kiến này đã bị dư luận phản đối, nhiều chuyên gia không tán thành bởi chưa đủ căn cứ thuyết phục.

Phương Dung

Gửi tiết kiệm lấy lãi cũng lo phải nộp thuế thu nhập: Bộ Tài chính nói gì? - 2