1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

GS Võ Tòng Xuân: Hơn 60% nông dân nghèo là do cách làm cũ kỹ, lạc hậu

(Dân trí) - Khi Chính phủ đang huy động dành 100.000 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, giải bài toán nông nghiệp "được mùa, mất giá" thì thực tế, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) dám mạnh dạn đầu tư và người nông dân vẫn chưa thay đổi nhận thức làm nông nghiệp manh mún, tuy duy hạn hẹp vốn có.

Trao đổi với báo giới gần đây, GS, TS Võ Tòng Xuân, Đại học Cần Thơ, người luôn đau đáu về nỗi niềm của người nông dân, nông thôn và nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Nhà nước đã có quyết sách đúng, để hiện thực hóa giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao, cần DN có bản lĩnh, dấn thân với tư duy mới giúp người nông dân thay đổi thói quen truyền thống.

GS Võ Tòng Xuân, Đại học Cần Thơ (ảnh Nguyễn Tuyền)
GS Võ Tòng Xuân, Đại học Cần Thơ (ảnh Nguyễn Tuyền)

Thưa GS, ông đánh giá như nào về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Chính phủ vào ngành nông nghiệp. Có thể nói đây là gói tín dụng riêng cho ngành nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay, để tạo cú hích cho ngành, những đối tượng thụ hưởng cần làm gì?

- Tôi đánh giá rất cao gói tín dụng của Chính phủ vào nông nghiệp, đây là sự quan tâm lớn đối với nông dân, nông nghiệp vốn có thế mạnh, nhưng chỉ ở dạng tiềm năng hoặc chúng ta đã và đang đánh mất lợi thế.

Việc Chính phủ huy động vốn, và trực tiếp cử Bộ, ngành tham gia lập quy hoạch dự án nông nghiệp, khuyến cáo ban ngành giúp đỡ nông dân, DN cho thấy hướng đi rất đúng bởi nếu lãi thì họ mới tin tưởng tham gia.

Tuy nhiên, hiện cũng chỉ mới có một số DN lớn trong nước và DN ngoại đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi riêng của họ, đại đa số DN nhỏ chưa dám đổ bộ vào nông nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã chưa dám đầu tư mạnh vào nông nghiệp mà mới chỉ duy trì nguyên hiện trạng. Nguyên nhân là do họ chưa tham gia được vào chuỗi của DN lớn, những rủi ro về thị trường, hợp tác với nông dân vẫn là nỗi sợ hãi của họ.

Chúng ta phải làm rõ, vốn cho nông nghiệp tại sao lại mắc kẹt và mắc kẹt ở đâu? Tôi thấy có 2 lý do chính. Thị trường nông nghiệp không ổn định, lờ mờ và mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và DN lỏng lẻo, dù ký hợp đồng nhưng nếu DN mất đi thị trường, giá thị trường đi xuống thì không biết bán đi đâu. Giá tăng dân lại không bán nguyên liệu cho DN. Chính vì vậy, xác định đầu tư vào nông nghiệp để làm ăn có lãi, rất cần những DN có tài, có tâm và có bản lĩnh thương trường và có tư duy mới.

Hiện, có một số mô hình nhà nông đang làm nông nghiệp công nghệ cao, một bộ phận đã hướng đến làm ăn quy mô lớn. Ông đánh giá như nào về mối liên kết DN và nông dân và chuyển biến tư duy làm nông nghiệp của người nông dân?

- Có nhưng chỉ mới một phần, còn đại đa số nông dân ta hay canh tác, sản xuất kiểu đại trà, số đông, trong khi các chính sách dự báo thị trường yếu, kém, đi sau. Người nông dân không hề hay biết thị trường cần gì, muốn gì chỉ biết là họ trồng được và tự bán ra thị trường. Thói quen sản xuất hàng hóa mới chỉ hình thành ở một số vùng nông nghiệp nhất định, còn lại đa số vẫn chỉ dừng lại với thói quen cũ, cách làm cũ.

Nhiều khi chúng ta tấn công chính sách, đổ lỗi cho DN mà quên đi những người nông dân chậm tiến, chậm chuyển đổi. Nông dân nghèo tại hơn 60% là bởi chính họ, đó là do suy nghĩ nhỏ nhen, chi ly, chút chút là không chịu thiệt.

Tính lịch sử của vấn đề nằm ở chỗ, đa số trình độ học vấn người nông dân thấp, nhiều khi không đạt yêu cầu. Ở các nước nông dân có học thức mới làm nông dân, ở Việt Nam không đi học mới làm nông nghiệp, cho con đi học rồi thoát khỏi nông nghiệp.

Vì trình độ học vấn thấp nên họ làm theo kinh nghiệm, làm theo kiểu nông dân, đó là theo cha truyền, con nối, không theo phương pháp, kỹ thuật mới. Do đó khi nhà khoa học nói bón phân hữu cơ NPK và phân vi lượng để bổ sung chất cho cây trồng nhưng người nông dân chỉ bón Urê, thấy lá xanh lên họ mừng và cũng chỉ bón riêng loại phân đó thôi. Người ta không biết được cây trồng cần hấp thụ 16 chất, nếu chỉ được bón urê thôi thì cây trồng phải lấy chất khác từ dưới đất, 1 - 2 năm còn được, hàng chục năm thì cạn kiệt, chất lượng hàng hóa thấp đi.

Nói như vậy, để thay đổi tư duy nhà nông sẽ rất khó, đó là chưa nói đến chuyện kết hợp với sản xuất theo chuỗi. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở khâu này đang yếu nhất?

- Không thể thay đổi nhận thức của toàn bộ nhà nông, nhưng cách để họ tin và chọn DN liên kết rất dễ. DN chỉ cần cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người nông dân, chịu lãi ít đi, san sẻ với nhà nông khi mất mùa, thiệt hại.

Đa số nhà nông đều vất vả nắng mưa để canh tác mà hiệu quả gia tăng rất thấp, họ sẽ mất niềm tin vào DN nếu sản phẩm không được thu mua và gánh nặng cuối cùng đổ hết lên vai họ. Cái họ cần là sự chia sẻ của DN, Nhà nước.

Khi DN cho nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất hàng hoá, phải giám sát nông dân trồng đúng kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn. Như vậy, nông dân không cần học nhiều, chỉ cần học tiêu chuẩn như nào, theo VietGAP hay GlobalGAP mà thôi, nếu có dịch bệnh phải gọi cán bộ kỹ thuật theo dõi. Chỉ cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những tác động từ tự nhiên sẽ bị triệt tiêu hoặc giảm đáng kế.

Thực tế, nhiều DN cho hay họ "chịu trận" vì nhà nông phá hợp đồng, thương lái chen ngang khi giá thành sản phẩm cao. Trong khi, nhà nông sản xuất không đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, sản phẩm không đạt yêu cầu đổ lỗi cho DN không thu mua? Đây là rủi ro mà pháp luật chưa giải quyết triệt để. Ông nhận định sao về vấn đề này?

- Đúng là có hiện tượng thương lái "chen ngang" chuỗi liên kết, mua khi giá đắt, bỏ bê khi giá rẻ. Và cũng vì lợi nhuận nên người nông dân bỏ hợp đồng với DN cam kết, điều này khiến DN gặp rủi ro lớn.

Để khắc phục tồn tại này, chúng ta cần đưa thương lái tham gia vào chuỗi liên kết để họ có lợi ích không thể phá vỡ mối liên kết với nông dân và DN. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn bà con làm việc theo đúng pháp luật, đúng cam kết và có cơ chế ràng buộc, xử phạt nếu vi phạm.

Trên thực tế, vai trò giám sát của cơ quan chức năng về giá rất quan trọng bởi đã có hiện tượng DN bao tiêu dìm giá của người nông dân tham gia liên kết, mua với giá thấp hơn thị trường. Mặc khác, người nông dân cũng tư lợi riêng nên sẵn sàng từ bỏ thỏa ước ký kết mà không chịu ràng buộc pháp lý nào. Nguyên nhân có cả hai, nhưng chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn, răn đe.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Lược ghi)